Bên cạnh các mặt hàng "bị cấm", ghi nhận thực tế, trên sàn thương mại điện tử Sendo vẫn có tình trạng thương nhân đăng bán mặt hàng thời trang không có tem nhãn thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định.
Vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã có bài viết "Sendo do
FPT sáng lập rao bán công khai mặt hàng do chính mình tuyên bố "bị cấm"" về việc bất chấp quy định tại danh mục hàng hoá cấm kinh doanh trên sàn, các mặt hàng cấm vẫn được rao bán công khai trên sàn TMĐT Sendo như thuốc lá điện tử, thức uống có nồng độ cồn trên 15 độ...
Trước thực trạng trên, đại diện Sendo cho biết, các sản phẩm thuộc danh mục cấm đã được Sendo kiểm duyệt và gỡ bỏ khi người bán đưa lên sàn TMĐT Sendo.vn. 100% người mua click vào kết quả hiển thị trên trang tìm kiếm sẽ không mua được sản phẩm.
Sendo đã thực hiện phần kiểm duyệt đăng bán các sản phẩm trong danh mục cấm. Tuy nhiên, do người bán dùng những từ khóa để lách luật mà máy không đo được hết nên các sản phẩm này vẫn bị hiển thị trên kết quả tìm kiếm.
Sendo đã và đang tiếp tục rà soát để có thể gỡ bỏ hoàn toàn phần hiển thị của các sản phẩm thuộc danh mục cấm xuất hiện trên kết quả tìm kiếm.
Bên cạnh các mặt hàng "bị cấm" nêu trên, ghi nhận thực tế, trên sàn TMĐT Sendo vẫn có tình trạng thương nhân đăng bán mặt hàng thời trang như quần áo mà không có tem nhãn. Cụ thể, khi thử mua chiếc áo polo form rộng tại gian hàng có tên F.K. shop. Trên hoá đơn có ghi áo được sản xuất tại Xưởng may in thêu Ngọc Lâm Anh (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định). Đáng chú ý, trên chiếc áo polo này chỉ có gắn mác size L. Ngoài ra không có thêm bất cứ thông tin nào khác.
Áo đặt mua trên sàn TMĐT Sendo không có bất cứ thông tin nào về sản phẩm.
Theo quy định về việc ghi nhãn hiệu đúng tiêu chuẩn của pháp luật, trên tem nhãn phải có đầy đủ các thông tin như tên quần áo và địa chỉ liên hệ của cơ sở kinh doanh quần áo; nguồn gốc, xuất xứ quần áo; thành phần hoặc thành phần định lượng của quần áo; thông số kỹ thuật quần áo; thông tin cảnh báo quần áo;hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản quần áo; năm sản xuất. Đối với kích thước của nhãn mác quần áo, pháp luật không có quy định cụ thể, tuy nhiên cần đảm bảo nội dung ghi trên nhãn quần áo khách hàng có thể dễ dàng đọc được.
Theo tìm hiểu, Sendo là một trong 4 ông lớn về thương mại điện tử tại Việt Nam. Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (địa chỉ tại tầng 5, tòa nhà A, Vườn Ươm Doanh Nghiệp, Lô D.01, đường Tân Thuận, khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) là thành viên của Tập đoàn
FPT với vốn điều lệ tính đến thời điểm hiện tại lên đến 114,169 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính do DealStreetAsia thực hiện, Sendo rơi vào cảnh thua lỗ dù chứng kiến sự cải thiện trong giai đoạn 3 năm từ 2019 đến 2021. Cụ thể, năm 2021, Sendo báo lỗ 28,3 triệu USD. Khoản lỗ lũy kế sàn TMĐT Sendo vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính.
Theo đó, Sendo hầu như vẫn phải dựa vào nguồn lực từ công ty mẹ hoặc nếu không sẽ thường huy động ngân sách đầu tư thông qua các vòng gọi vốn. Minh chứng cho thấy, Sendo huy động thành công 57 triệu USD thông qua các khoản vay chuyển đổi kể từ năm 2020.
Về doanh thu, năm 2019, Sendo có dấu hiệu sụt giảm so với Shopee, Lazada, Tiki khi chỉ đạt mức doanh thu 22,4 triệu USD. Sau đó năm 2020 và 2021, doanh thu Sendo tiếp tục giảm mạnh xuống còn 16,8 triệu USD và 7,7 triệu USD. Đáng chú ý, trong năm 2022, Sendo từng có thời điểm tuột khỏi top 10 sàn thương mại điện tử phổ biến trên mạng xã hội.
Mặc dù kinh doanh báo lỗ, nhưng Sendo hàng năm vẫn được "rót" hàng nghìn tỷ đồng vào quảng cáo, khuyến mại, giảm giá nhờ việc được “chống lưng” bởi những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc những tập đoàn TMĐT nước ngoài.
Dựa trên dữ liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), Việt Nam nằm trong nhóm 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. TMĐT tại Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là đang trên đà phát triển, trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán.
Việt Nam hiện đang là thị trường lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Tại thị trường trong nước, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo hiện diện ở mọi ngóc ngách của lĩnh vực TMĐT và vẫn đang trong quá trình đầu tư, hay thường được cho rằng vẫn “lỗ trong kế hoạch”.
Các mức xử phạt vi phạm kinh doanh quần áo không có nhãn mác
Bất cứ đơn vị nào kinh doanh quần áo không sử dụng nhãn mác đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào số lượng, quy mô và giá trị hàng hóa:
Xử phạt từ 100.000 VNĐ – 300.000 VNĐ đối với hàng hóa có giá trị 5.000.000 VNĐ.
Xử phạt hành chính từ 7.000.000 VNĐ – 10.000.000 VNĐ đây là mức xử lý cao nhất đối với hàng hóa có giá trị trên 100.000.000 VNĐ.
Bên cạnh đó cũng có một số hình thức xử phạt bổ sung như:
Bắt buộc cơ sở kinh doanh phải in nhãn mác
Thu hồi toàn bộ sản phẩm