Là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao, hàng năm nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 12%. Bên cạnh đầu tư, nâng cấp công suất của ngành điện để đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo vì mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Chủ động chia sẻ với ngành điện
Để đầu tư hệ thống trạm biến áp, lưới điện là bài toán khó mà trong những năm qua ngành điện luôn cố gắng “đi trước một bước” để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Song, vì những nguyên nhân khách quan như công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn… khiến nhiều dự án điện không kịp tiến độ so với kế hoạch. Theo ngành điện, hiện hệ thống điện của tỉnh đã ở ngưỡng chiếm 70 - 80% phụ tải thiết kế, đây là mức không an toàn để bảo đảm vận hành lưới điện thông suốt và có nguy cơ quá tải.
Điện mặt trời mái nhà, nguồn năng lượng sạch, tái tạo đang được khuyến khích phát triển. Trong ảnh: Một dự án điện mặt trời mái nhà tại TP.Thủ Dầu Một
Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết về tình hình đầu tư phát triển, cung cầu và an ninh năng lượng trên địa bàn, bao gồm: Than, dầu, khí, thủy điện và các dạng năng lượng tái tạo để phục vụ cho việc huy động lập các dự án trong quy hoạch. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhà máy thủy điện Phước Hòa (huyện Phú Giáo), công suất 12,5 MW; nhà máy thủy điện Minh Tân (huyện Dầu Tiếng), công suất 5 MW. Bên cạnh là nhà máy phát điện trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore sử dụng dầu DO và HFO, công suất 16 MW, nhà máy phát điện sử dụng than của Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương có công suất 60 MW và đồng phát điện công suất 3 MW sử dụng các nguồn nhiên liệu, như: Rác giấy, bùn thải, than và một số loại nhiên liệu khác với khối lượng sử dụng 220 tấn/ngày.
Hiện các nhà máy đang phát điện với công suất tối đa khoảng 45 MW để tự sử dụng và không bán điện cho đơn vị khác. Tương tự, tại Nhà máy Giấy Cheng Loong Bình Dương, công suất phát 29 MW, sử dụng nhiên liệu than; Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, công suất phát 46 MW, sử dụng nhiên liệu than. Ngoài ra, các dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên CNG do Công ty TNHH Polytex Far Eastern đầu tư dự kiến phát điện công suất cực đại đến 40 MW và dự án điện rác của chi nhánh xử lý rác thải thuộc Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) đầu tư dự án “Đốt rác thu hồi nhiệt” sử dụng 200 tấn rác/ngày để phát điện công suất 9,6 MW theo quy hoạch.
Sử dụng năng lượng tái tạo
Khu vực tỉnh Bình Dương có số giờ nắng trung bình trong năm khá cao, khoảng 2.400 giờ/năm, được đánh giá có tiềm năng tốt để phát triển các dự án điện mặt trời. Theo Sở Công thương, thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ đến các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần nâng cao hiệu quả và chủ động trong việc cung cấp điện.
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết hiện toàn tỉnh có 4.066 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt là 775.695 kWp, trong đó có 12 hệ thống tự sản xuất do EVN đầu tư với tổng công suất 383 kWp và 4.054 hệ thống của các chủ đầu tư khác với tổng công suất 775.533 kWp.
Theo Sở Công thương, sự chuyển dịch năng lượng của tỉnh theo xu hướng chung của thế giới vì nền sản xuất xanh, sản phẩm xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo nhất là mức độ ổn định, giá thành, nguồn lực tài chính, đồng bộ truyền tải, công nghệ, thiết bị, sử dụng đất đai, mặt nước, bảo vệ môi trường. Hiện nay, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo đang cao hơn so với nguồn điện năng lượng truyền thống nhiệt điện, thủy điện. Ngoài ra, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Trường Thi chia sẻ thêm, nhằm thực hiện mục tiêu chung của quốc gia đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện rác, thủy điện. Bình Dương cũng đã kiến nghị cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt.
Để thực hiện được điều đó, cần nghiên cứu xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo nhằm thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống như hiện nay; thực hiện thị trường điện cạnh tranh, có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ.
Giai đoạn 2016-2021, tổng vốn đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh gần 1.804 tỷ đồng. Mức đầu tư trên không bao gồm các công trình lưới điện truyền tải 220 - 500 kV do Tổng Công ty Truyền tải Quốc gia đầu tư và các khách hàng làm chủ đầu tư trên địa bàn Bình Dương.