• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 6:33:02 CH - Mở cửa
Liên kết phát triển ngành chế biến gỗ
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 26/03/2023 8:55:00 CH
Đông Nam bộ (ĐNB) là trung tâm chế biến, sản xuất gỗ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành gỗ gặp rất nhiều khó khăn do những biến động của thị trường thế giới. Để vượt qua thử thách trước mắt và phát triển bền vững, ngành chế biến gỗ tại các địa phương trong vùng đang nỗ lực liên kết trong sản xuất lẫn tiêu thụ.
 
 
Các doanh nghiệp ngành gỗ tham quan, tìm hiểu máy móc, công nghệ hiện đại cho sản xuất, chế biến gỗ tại Trung tâm Phân phối nguyên liệu hợp pháp Tavico (ICD Tân Cảng Long Bình), TP.Biên Hòa. Ảnh: V.GIA
 
Xây dựng trung tâm sản xuất, chế biến đồ gỗ công nghệ cao, liên kết các hiệp hội tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại, hội thảo, hội nghị chung và đẩy mạnh sản xuất xanh... là những giải pháp mà ngành đang hướng tới.
 
* Trung tâm sản xuất chế biến gỗ lớn nhất cả nước
 
Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM là 3 địa phương có sự phát triển mạnh về ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ, chiếm phần lớn sản lượng, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh của ngành chế biến gỗ xuất khẩu không chỉ tăng thu ngoại tệ cho quốc gia mà còn tạo được nhiều việc làm cho người lao động.
 
Đầu tiên phải kể đến Bình Dương, địa phương có ngành sản xuất gỗ xuất khẩu tập trung lớn nhất cả nước. Tỉnh này đang phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 9-10 tỷ USD và đến năm 2030 đạt từ 12-13 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đó, Bình Dương sẽ xây dựng 9 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích từ 70-75 ha/cụm.
 
Hôm 25-3, Đại hội Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) nhiệm kỳ VI (2023-2026) sẽ được tổ chức. Trong bối cảnh ngành gỗ còn gặp nhiều khó khăn, đại hội lần này chính là thời điểm để thể hiện sự đoàn kết của các DN chế biến, sản xuất, tiêu thụ gỗ trong toàn tỉnh để đưa ngành gỗ Đồng Nai vươn xa ra thị trường thế giới.
 
Không có quy mô xuất khẩu gỗ lớn như Bình Dương nhưng Đồng Nai lại sản xuất cân bằng cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Toàn tỉnh có gần 1,5 ngàn cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ; trong đó có gần 1 ngàn DN và khoảng 500 cơ sở, hộ gia đình kinh doanh, cung cấp các sản phẩm gỗ đa dạng, đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước, sản phẩm gỗ Đồng Nai còn xuất khẩu ra nhiều nước, tập trung cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Canada…
 
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Đồng Nai sẽ sắp xếp lại các cơ sở sản xuất gỗ theo hướng thu hút vào các khu, cụm công nghiệp để không gây ô nhiễm môi trường và phân bố sản xuất gỗ hợp lý trên địa bàn toàn tỉnh. DN được khuyến khích đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất với công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
 
Trong khi đó, TP.HCM dù không có nhiều DN sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ như Bình Dương, Đồng Nai nhưng lại có thế mạnh về thương mại, quan hệ quốc tế và bán buôn các mặt hàng máy móc ngành gỗ...
 
Theo Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Nguyễn Chánh Phương, đơn vị sẽ nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có những hình thức mới, liên kết với ngành gỗ thế giới.
 
* Liên kết để cùng phát triển
 
Trong bối cảnh khó khăn và yêu cầu phát triển bền vững, các hiệp hội gỗ ở vùng ĐNB bao gồm Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cùng với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã bắt tay cùng hợp tác. Mục tiêu của sự hợp tác này nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ Việt Nam.
 
Theo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 của Đồng Nai thì tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 7,9-9%/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản hơn 2 tỷ USD vào năm 2025 và 3 tỷ USD vào năm 2030. Đến năm 2050, ngành lâm nghiệp Đồng Nai có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản hàng đầu cả nước.
 
Theo đó, hoạt động của các hiệp hội sẽ không còn riêng lẻ mà quy về một mối, dưới mái nhà chung mang tên Viforest Fair. Việc hợp tác nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm điều kiện để DN trong ngành có môi trường kinh doanh rộng mở. Từ đó tiến tới nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới. Trước đó, trong năm 2022, tại Đồng Nai, các hiệp hội trên đã ký kết thỏa thuận phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam.
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, đây là hoạt động thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước, giới thiệu, quảng bá DN và hình ảnh, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cùng nhau xây dựng thương hiệu ngành gỗ quốc gia. Các hiệp hội cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam thông qua việc hợp tác, liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam. Ngành gỗ Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để làm được việc đó phải có sự liên kết và hợp tác chặt chẽ của cộng đồng DN ngành gỗ trong cả nước, vận dụng những thế mạnh của các địa phương đi tiên phong, bao gồm: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Định và một số tỉnh, thành khác.
 
Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu Võ Quang Hà cho hay, cần thúc đẩy liên kết theo chiều dọc và chiều ngang cho ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, theo chiều dọc là thúc đẩy liên kết từ khâu trồng rừng đến chế biến và khai thác gỗ, hoàn thiện sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Liên kết ngang là các hiệp hội DN gỗ trong nước cần đẩy mạnh các hoạt động, liên kết lại với nhau, thể hiện rõ vai trò của mình với các DN thành viên. Trong đó bao gồm cả làm việc với cơ quan chức năng, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành gỗ phát triển.