• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,17 +1,06/+0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 12:25:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,17   +1,06/+0,08%  |   HNX-INDEX   222,60   +0,12/+0,06%  |   UPCOM-INDEX   92,99   -0,12/-0,13%  |   VN30   1.315,94   +2,46/+0,19%  |   HNX30   462,84   +0,65/+0,14%
20 Tháng Giêng 2025 12:33:03 CH - Mở cửa
Gói hỗ trợ lãi suất ‘ế’, chuyên gia kiến nghị điều chỉnh
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 31/03/2023 10:36:32 SA
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang là vấn đề nóng trên thị trường trong thời gian gần đây, bởi ít ai chấp nhận một thực tế "có tiền nhưng không thể tiêu".
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
 
Nghịch lý có tiền nhưng khó tiêu
 
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
 
Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn “ế” 99,7%. Sau hơn một năm triển khai gói này mới giải ngân được 134 tỷ đồng đến hết tháng 2/2023, tức mới gần 0,34% tổng quy mô gói.
 
 
Sau hơn một năm triển khai gói này mới giải ngân được 134 tỷ đồng đến hết tháng 2/2023, tức mới gần 0,34% tổng quy mô gói.
 
Trước đó, báo cáo của các ngân hàng thương mại cho biết, hầu hết doanh nghiệp hiện nay kinh doanh đa ngành nghề, có ngành nghề được hỗ trợ, có ngành thì không, việc bóc tách ra để hỗ trợ là rất khó khăn. Mặt khác, điều kiện thị trường hiện tại khác nhiều so với thời điểm xây dựng chính sách. Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ mang tính trực tiếp hơn, như chính sách miễn, giảm thuế…
 
Theo giải thích của NHNN và Bộ Tài chính, điều kiện tiên quyết của Nghị định 31 là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.
 
Các doanh nghiệp cho rằng, việc gói hỗ trợ lãi suất 2% “ế” trong khi doanh nghiệp đói vốn cho thấy, thiết kế chính sách của gói hỗ trợ này chưa hợp lý, gây ra cảnh “cá treo, mèo nhịn đói”.
 
Hiện nay, NHNN đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay. Từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp sửa đổi Nghị định, NHNN cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.
 
Do đó, còn khoảng 37.520 tỷ đồng nguồn lực của Chương trình bố trí cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.
 
Cân nhắc điều chỉnh gói hỗ trợ, nhưng lo ngại tính khả thi
 
Trong bối cảnh đó, cùng với sửa đổi Nghị định 31, NHNN cũng đề xuất chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng này sang cho các nhiệm vụ chi có khả năng hấp thụ tốt hơn.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi nghị định cũng mất nhiều thời gian trong khi doanh nghiệp lại đang khát vốn với lãi suất thấp. Chính vì vậy nên điều chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2%/năm chưa giải ngân được sang gói hỗ trợ khác. Ví dụ dùng nguồn vốn này hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp trong lúc họ đang gặp khó khăn như hiện nay.
 
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nêu quan điểm: Mục đích của gói này là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp yếu vượt qua giai đoạn khó khăn. Tức là phải thừa nhận rằng không ai trong số họ có sức khỏe bình thường, mà đều trong tình trạng “bị tổn thương”.
 
Theo ông Hiếu, tình trạng sức khỏe tài chính của nhóm doanh nghiệp này đang yếu như vậy mà các tiêu chí cho vay vẫn giữ nguyên, giống như doanh nghiệp khỏe mạnh thì làm sao họ đủ điều kiện để tiếp cận. “Trong khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đặt nặng vấn đề hậu kiểm, cứ “dọa” thanh tra, kiểm toán thì chẳng có doanh nghiệp nào dám vay cả”, ông Hiếu nhấn mạnh.
 
Theo ông Hiếu, cần phải có cam kết rằng cơ quan nhà nước chỉ thanh tra việc sử dụng tiền hỗ trợ như thế nào, có đúng mục đích sử dụng vốn vay không để doanh nghiệp mạnh dạn tiếp cận gói hỗ trợ này.
 
Tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ giao NHNN đánh giá kỹ khả năng giải ngân, đề xuất phương án điều chuyển chi hỗ trợ lãi suất sang hình thức, chính sách khác. Một trong số phương án được xem xét là chuyển sang cho vay nhà ở xã hội.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, nên cân nhắc điều chỉnh gói hỗ trợ nhưng ông lo ngại tính khả thi. Bởi, theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, việc thay đổi chính sách liên quan tới chương trình phục hồi kinh tế sẽ cần báo cáo, xin ý kiến Quốc hội trong khi thời gian thực hiện chỉ tới năm 2023. Thủ tục thay đổi chính sách lâu trong khi thời gian còn lại thực hiện gói hỗ trợ không nhiều, còn 9 tháng.
 
Chưa kể, hai chính sách có độ vênh về đối tượng, mức lãi suất hỗ trợ, nên cũng "không dễ chuyển đổi". Và hiện lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 5% một năm, nhưng việc giải ngân rất chậm. Như tại TP HCM, chưa đến 2% người có nhu cầu vay được vốn nhà ở xã hội, theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM.
 
"Nguồn cung nhà ở xã hội hiện không dồi dào, chính sách phát triển đang vướng nhiều quy định, nên nếu dồn vốn sang cho vay lĩnh vực này, nhà chức trách cần tính toán cẩn trọng để tránh tái diễn tình trạng ách tắc giải ngân", ông lưu ý.