Trái phiếu doanh nghiệp đang như "quả bom" nổ chậm lơ lửng trên thị trường tài chính. Nếu không được xử lý một cách triệt để, một sự đổ vỡ là khó tránh khỏi và sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế.
Nguy cơ đổ vỡ "Domino"
Theo ước tính, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chưa tính tiền lãi) đến thời kỳ đáo hạn. Riêng trong năm 2023-2024, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn với lần lượt hơn 119.000 tỷ đồng và gần 112.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tiền của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thanh khoản của các dự án bất động sản “án binh bất động”. Các chuyên gia dự báo, nếu không có chính sách xử lý triệt để, nguy cơ vỡ nợ đối với các nhà phát hành trái phiếu sẽ sớm trở thành hiệu ứng Domino.
Thực tế, đầu năm 2023 hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, đã thông báo vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tìm cách bán trái phiếu với mức chiết khấu rất sâu để thu lại tiền mặt. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 1 năm nay chỉ có một đợt phát hành thành công với giá trị huy động 110 tỷ đồng và tháng 2 là 2.000 tỷ đồng. Trong khi, tháng 1/2022, có tới hơn 29.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công. Tình trạng vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi của doanh nghiệp làm mất lòng tin của nhà đầu tư, vốn đang ở mức rất thấp, khiến thị trường trái phiếu tiếp tục "đóng băng".
Đánh giá về khả năng vỡ nợ của TPDN, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings nhấn mạnh, điểm mấu chốt là chất lượng tín dụng các tổ chức phát hành phần đa là chưa cao và có thể nói là dưới chuẩn cho vay tín dụng của ngân hàng. Vấn đề này diễn ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi, lãi suất tăng cao và định hướng kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và kinh doanh bất động sản đã dẫn đến thực tế một số trường hợp vi phạm nghĩa vụ nợ.
Do đó, đại diện FiinGroup cho rằng, có thể chúng ta sẽ chứng kiến thêm một tỷ lệ nhất định các doanh nghiệp rơi vào trạng thái không trả được lãi hoặc gốc đúng hạn. Mức độ vi phạm nghĩa vụ nợ ra sao và quy mô sẽ phụ thuộc vào nỗ lực đàm phán của tổ chức phát hành và trái chủ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính đánh giá một tỷ lệ lớn trong khoảng 120.000 tỷ trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023 rơi vào tình trạng vỡ nợ. Với tỷ lệ tín dụng bất động sản năm 2022 khoảng 20% thì ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có thể triệt tiêu toàn bộ vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng cho đến thời điểm hiện nay.
"Hiện nay, tất cả các giải pháp như thanh toán bằng sản phẩm để cấn trừ nợ, biến trái phiếu thành cổ phiếu hay thoả thuận giãn, hoãn nợ đều chưa cho thấy tiềm năng có hiệu quả. Hãy hình dung một cách đơn giản rằng, nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản chưa hoàn thiện pháp lý, đang dang dở, thậm chí dự án mới chỉ là khu đất hoang cỏ mọc, làm sao có thể đi tới thoả thuận để hoán đổi trái phiếu thành sản phẩm? Làm sao để thuyết phục được các trái chủ bỏ thêm tiền để sở hữu một căn hộ khi chưa có sổ hồng, chưa đủ cơ sở pháp lý để chuyển nhượng? Hay giải pháp biến trái phiếu thành cổ phiếu. Với trái phiếu, nhà đầu tư còn có thể kiện doanh nghiệp ra toà để thanh lý tài sản đảm bảo, còn cổ phiếu thì không, vậy ai sẽ chịu quy đổi? Còn giãn, hoãn nợ, cuối cùng cũng chỉ là một cách để kéo dài nỗi đau, chưa kể trong thời gian đó doanh nghiệp, giới chủ còn có cơ hội tẩu tán tài sản (nếu có)", ông Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay, trên thị trường trái phiếu, có cả doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp xấu. Doanh nghiệp kinh doanh không đúng pháp luật, tác động xấu tới thị trường, đứng trước nguy cơ phá sản thì nên theo kinh tế thị trường, để cho doanh nghiệp phá sản - đây cũng là một hoạt động giúp tái cơ cấu doanh nghiệp, hướng tới minh bạch của thị trường.
Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp vẫn còn sức khoẻ, kinh doanh đúng quy định pháp luật, khó khăn chỉ là tạm thời cũng nên có những giải pháp để hỗ trợ, đồng thời vực dậy doanh nghiệp. Cụ thể, trong Luật Phá sản có quy định 2 cơ chế xử lý với doanh nghiệp, 1 là thanh lý tài sản, 2 là cho phép đi vào giai đoạn tái cơ cấu. Với cách 2, những người cho doanh nghiệp vay nợ không được phép đòi nợ, đồng thời doanh nghiệp được thu lại các khoản nợ đã chi trả trước đó 90 ngày. Mục đích của việc này là cho doanh nghiệp một cơ hội đi vào tình trạng tái cơ cấu để phục hồi, thời hạn có thể là 1 năm. Sau 1 năm, nếu doanh nghiệp phục hồi được thì tốt, còn nếu trong thời gian đó không có khả năng phục hồi thì tiến hành thanh lý tài sản và thanh toán cho các con nợ. Toà án sẽ là nơi xét xem doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không.
Kỳ vọng về Nghị định 08
Đánh giá về Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định trước đó quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: "Nghị định 65 không phải tội đồ gây ra tình trạng "đóng băng" của thị trường TPDN mà chủ yếu do bản thân thị trường phát triển nóng, thiếu bền vững, các vụ án lớn giống như giọt nước tràn ly kéo theo sự sụp đổ lòng tin trên thị trường. Cùng với đó, không thể không kể tới nguyên nhân từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ 3 năm vừa qua đã như con thiêu thân lao vào thị trường. Do tất cả các thành phần từ nhà phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý đã không làm đúng vai trò, trách nhiệm nên mới đưa tới sự đổ vỡ".
Về Nghị định 08, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nghị định đã đưa ra 3 trụ cột chính. Một là, tiêu chí nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp hoãn đến năm 2024. Điều này ở thời điểm này là phù hợp để tạo thanh khoản cho thị trường nhưng cũng đồng nghĩa rủi ro sẽ tiếp tục lớn. Tuy nhiên, cũng không nên trông chờ quá nhiều vào tác động của quy định này vì trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, mời gọi nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu thì ai sẽ dám mua?
Trụ cột 2 là đàm phán để hoãn nợ, hoán đổi trái phiếu lấy tài sản. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế có thể chẳng đi tới đâu nếu tài sản là nhà, căn hộ chưa đủ căn cứ pháp lý; hoặc hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, cổ phiếu phát hành mới còn khó có người mua; mặt trái của quy định này là sau 2 năm có thể doanh nghiệp đã chẳng còn tài sản để thanh lý trả nợ.
Cuối cùng là trụ cột 3 quy định về xếp hạng tín nhiệm cũng được dời lại đến năm 2024. Trong bối cảnh hiện tại, xếp hạng tín nhiệm có thể coi là một giải pháp quan trọng để thị trường minh bạch, nhà đầu tư có một nơi để bấu víu thì Nghị định 08 lại tước đi công cụ này của nhà đầu tư.
Thực tế, chỉ có công ty xếp hạng tín nhiệm mới có khả năng cho nhà đầu tư biết doanh nghiệp này với số lượng trái phiếu phát hành đó có khả năng trả nợ hay không, nhà đầu tư cá nhân cần có công cụ như vậy. Vì vậy, ngay hôm nay, dù không được quy định, nhà đầu tư cá nhân cũng nên yêu cầu doanh nghiệp phát hành cần có xếp hạng tín nhiệm trước khi đầu tư trái phiếu.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý mong muốn dùng Nghị định mới như một giải pháp cho thị trường vốn là đi lệch hướng. Giống như Nghị định 65 không những không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư mà còn đào sâu thêm, làm mất thêm niềm tin của thị trường. Vì vậy, Nghị định 08 không thể đưa ra cách giải quyết triệt để.
Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần nhất thời điểm hiện tại là 1 chương trình hoãn nợ quốc gia, cùng với đó, NHNN nên xây dựng gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản, tương tự gói hỗ trợ lãi suất 2%, hoặc gói 110.000 tỷ đồng cho nhà thu nhập thấp.
"NHNN nên có một gói hỗ trợ khoảng 300.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản với 100.000 tỷ để giải quyết TPDN đáo hạn năm nay và 200.000 tỷ đồng để vực dậy doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này cần có tiêu chí rõ ràng, quy định thời gian hỗ trợ, điều kiện doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, không có nợ xấu...", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu.
Về phần mình, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá quan trọng nhất thời điểm hiện tại là khôi phục lòng tin cho thị trường. Chúng ta có thể bắt đầu bằng bất động sản dành cho đối tượng có thu nhập thấp, từ đó giảm mặt bằng giá bất động sản, sẽ có doanh nghiệp có lợi và có doanh nghiệp thiệt hại. Nhưng kết quả là khi người dân nhìn thấy các phân khúc bất động sản bắt đầu cân bằng, minh bạch, không còn đầu cơ..., doanh nghiệp còn sức mạnh, còn tài sản đảm bảo có thể phát hành TPDN. Như vậy, niềm tin cho thị trường sẽ dần được lấy lại, minh bạch và bền vững trở thành tiêu chí hàng đầu được hướng tới.