Liên quan đến một số thông tin cho rằng, hàng chục tỷ đồng vốn Nhà nước tại Công ty tài chính CP xi măng (CFC) bị mất. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin làm rõ về quá trình thoái vốn của CFC và hiệu quả hoạt động của Công ty CP Med-Aid Công Minh (MCM) như sau:
Đại hội Đồng cổ đông thường niên Công ty tài chính cổ phần xi măng (ảnh tư liệu)
Về hoạt động kinh doanh và thoái vốn của Vicem tại CFC
Ngày 24/4/2008, các cổ đông đã góp 300 tỷ Việt Nam đồng vốn điều lệ trong đó Tổng Công ty xi măng Việt Nam (Vicem) góp 120 tỷ Việt Nam đồng, chiếm tỷ lệ 40% vốn điều lệ. Ngày 24/06/2010, Ngân hàng Nhà nước cho phép CFC tăng vốn lên 604 tỷ Việt Nam đồng, Vicem đã góp 240 tỷ Việt Nam đồng, chiếm tỷ lệ 39,7 % vốn điều lệ. Việc thu hồi vốn đầu tư của Vicem tại CFC thực hiện qua các bước:
Thoái vốn lần 1: Năm 2015, được sự cho phép của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1840/BXD-QLDN ngày 19/8/2015, Vicem đã thoái vốn lần 1 với giá trị vốn góp là 144,92 tỷ đồng tương ứng với 14.926.000 cổ phiếu; Giá bán là 11.100 đồng/cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng) thu về tổng giá trị 165,68 tỷ đồng tăng 11,1 % so với vốn đầu tư ban đầu.
Giai đoạn từ tháng 05/2012 - 04/2016, ông Lê Nam Khánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị CFC chịu trách nhiệm chỉ đạo và quyết định việc thoái vốn của CFC.
Thoái vốn lần 2: Ngày 17/05/2022, Hội đồng thành viên Vicem đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép thoái toàn bộ phần vốn của Vicem tại CFC (nay là VietCredit). Theo đó, số lượng cổ phần Vicem đang nắm giữ là 10.034.732 cổ phần (tương ứng 100,34 tỷ đồng góp của Vicem); Số lượng cổ phần thực hiện chuyển nhượng là 10.034.732 cổ phần; Giá khởi điểm không thấp hơn 64.026 đồng/01 cổ phần, đây là giá trị theo định giá công ty tại Chứng thư thẩm định giá số 0219/2022/ĐG-AC ngày 24/2/2022 do Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán quốc tế ban hành.
Ngày 28/6/2022, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 2332/BXD - QLDN chấp thuận chủ trương chuyển nhượng vốn đầu tư của Vicem tại CFC theo đề nghị của Vicem. Ngày 26/7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 5139/NHNN-TTGSNH chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của CFC do Vicem sở hữu theo đề nghị của CFC. Vicem thực hiện các thủ tục để thoái phần vốn của Vicem tại CFC theo phương pháp đấu giá công khai, thông thường tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Vicem thoái vốn tại CFC không được thấp hơn giá khởi điểm, thu về ít nhất 642,48 tỷ đồng.
Sau khi thoái toàn bộ vốn tại CFC, Vicem dự kiến thu về không thấp hơn 808,16 tỷ đồng (165,68 tỷ đồng + 642,48 tỷ đồng) sẽ cao gấp 3,2 lần số vốn 258 tỷ đồng mà Vicem đã đầu tư vào CFC. Như vậy sau gần 14 năm hoạt động, vốn Nhà nước của Vicem đầu tư tại CFC bảo toàn và phát triển vốn với hiệu quả cao.
Tuy nhiên đến nay việc thoái vốn của CFC vẫn chưa hoàn thành. Theo quy định, trách nhiệm thuộc về ông Lê Nam Khánh, đương kim Tổng giám đốc Vicem
Về một số khoản cho vay, tiền gửi và đầu tư trái phiếu của CFC trong giai đoạn 2008 - 2011
Đối với khoản vay đầu tư dự án của Công ty cổ phần Med-Aid Công Minh (MCM). Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại bài viết trước, năm 2009, Công ty CP thiết bị y tế Ung thư (Med-Aid) đề nghị CFC hợp tác đầu tư và xin cấp tín dụng đối với dự án Trung tâm điều trị ung thư (Bệnh viện Nhân dân 115). Sau đó, Hội đồng quản trị CFC đã ra Nghị quyết số 03/CFC/NQ-HĐQT ngày 05/10/2009, thỏa thuận giữa Công ty tài chính cổ phần xi măng (CFC) và Công ty CP thiết bị y tế Ung thư (Med-Aid) thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Med-Aid Công Minh (MCM) để thực hiện dự án nói trên. Căn cứ báo cáo thẩm định và hồ sơ đề nghị vay, CFC và MCM đã ký kết Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM ngày 31/8/2010 với tổng hạn mức tín dụng tối đa là 80 tỷ Việt Nam đồng. Việc cấp tín dụng cho MCM căn cứ theo quy chế cho vay đối với khách hàng ban hành kèm theo quyết định số 72/CFC/QĐ-HĐQT ngày 1/10/2008 của Hội đồng quản trị công ty.
Quá trình trả nợ: Giai đoạn 2011 đến 2015, MCM đã thanh toán cả gốc và lãi số tiền 39,14 tỷ đồng. Tháng 12/2015 đến nay MCM tiếp tục trả nợ cho CFC 16,456 tỷ đồng, sau khi khoản nợ đã được bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Thực tế số tiền MCM được giải ngân là 73,9 tỷ đồng, trong tổng hạn mức tín dụng là 80 tỷ đồng. Năm 2011 và năm 2012, dự án bắt đầu hoạt động thì đã phải nhận thêm lãi nhập gốc là 25,25 tỷ đồng. Hiện nay các bên đang rà soát lại tính pháp lý của khoản lãi nhập gốc này.
Trên thực tế CFC đã tính lãi cho MCM cao hơn từ 3-7% so với tổ chức tín dụng khác trên thị trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dự án Chẩn đoán và điều trị ung thư (Bệnh viện Nhân dân 115) Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn không trả nợ đúng hạn.
Trong thời gian từ tháng 03/2014 đến tháng 12/2015 Trung tâm được nhiều bệnh nhân biết đến, bắt đầu có thương hiệu, doanh thu đã tăng. MCM đã trả nợ đúng hạn cả gốc, lãi khoản vay với tổng số tiền 26,17 tỷ đồng (trong đó trả gốc được 9,56 tỷ đồng, trả lãi được 16,61 tỷ đồng). Đến hết 31/12/2015, mặc dù MCM đã trả cho CFC 39,14 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi) nhưng khoản nợ vẫn được xác nhận nợ 89,6 tỷ đồng, cao hơn giá trị giải ngân ban đầu.
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, ngày 28/5/2015 Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 486/NHNN-TTGSNH do Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh gửi CFC, trong đó yêu cầu CFC phải bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tối thiểu 65 tỷ Việt Nam đồng nợ xấu. Tại thời điểm đó, CFC không có dư nợ xấu quá 65 tỷ đồng, vì tại thời điểm này khoản nợ của MCM là khoản tín dụng trong hạn, nợ nhóm 1.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, CFC đã lấy khoản nợ MCM để báo cáo Ngân hàng Nhà nước bán cho VAMC vì cho rằng, khoản nợ này đã cơ cấu lại.
Ngày 22/12/2015, CFC đã bán cho VAMC khoản nợ của MCM tại Hợp đồng mua bán nợ số 23693/2015/MBN.VAMC-CFC, được VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC với mệnh giá 80 tỷ đồng, thời gian trái phiếu là 5 năm, kể từ ngày phát hành ngày 29/12/2015, lãi suất trái phiếu bằng 0%. Đến cuối năm 2017, CFC tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu do VAMC phát hành lên 10 năm, kể từ ngày phát hành với lãi suất bằng 0 %, hạn trái phiếu đến 29/12/2025. Sau đó VAMC ủy thác cho CFC quản lý khoản nợ của MCM. Từ khi khoản nợ đã bán cho VAMC, MCM đã tiếp tục thanh toán nợ gốc cho CFC 16,45 tỷ đồng.
Về các giải pháp thu hồi vốn
Sau khi bán nợ cho VAMC, CFC là đơn vị ủy thác quản lý nợ. Đến tháng 12/2025, khoản nợ mới đến hạn tất toán. Nhiều lần CFC yêu cầu tính lãi cho MCM, nhưng hai bên không xác nhận được nợ, do khoản nợ đã có lãi suất bằng 0% từ năm 2015. MCM đã có nhiều văn bản đề nghị CFC tiến hành xác định rõ ràng nghĩa vụ và trách nhiệm khoản nợ, để tiến hành thanh lý hợp đồng và phương án xử lý tài sản đảm bảo theo Hợp đồng số 24/2010/TDH/CFC-CM giữa CFC với MCM làm căn cứ xác định quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên.
Ngày 29/12/2022, MCM có Văn bản số 17/2022/CV-MCM ngày 29/12/2022 gửi CFC để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khoản vay nêu trên theo 02 phương án:
Phương án 1: MCM sẽ chuyển 18.391.731.964 đồng để trả đầy đủ số tiền đã nhận từ CFC. MCM xin nhận bàn giao lại toàn bộ tài sản đảm bảo để cấn trừ số tiền gốc, lãi còn nợ CFC; Thời gian chuyển tiền trước 31/12/2022.
Phương án 2: MCM sẽ chuyển trả 32 tỷ đồng để tất toán toàn bộ khoản nợ gốc, nợ lãi tại CFC, MCM được nhận lại toàn bộ tài sản đảm bảo.
Ngày 29/12/2022, CFC có Văn bản số 651/2022 phúc đáp Văn bản số 17/2022/CV-MCM ngày 29/12/2022 của MCM với các nội dung: CFC ghi nhận thiện chí của MCM khi đưa ra các phương án xử lý khoản nợ của MCM tại CFC. CFC yêu cầu MCM thanh toán toàn bộ dư nợ gốc của MCM tại CFC theo Công văn CFC đã gửi MCM số 566/2022/VietCredit-CV ngày 29/12/2022 (ghi đúng là ngày 29/11/2022) để đảm bảo an toàn vốn chủ sở hữu. Theo Công văn số 17/2022/CV-MCM ngày 29/12/2022 của MCM, CFC hiểu rằng trước đã chuẩn bị được một phần tài chính. Đề nghị MCM thanh toán ngày cho CFC trước ngày 30/12/2022. Đây sẽ là căn cứ để CFC xem xét, miễn giảm lãi và giải chấp tài sản đảm bảo hỗ trợ MCM sau này.
Ngày 30/12/2022, MCM đã tiếp tục trả nợ gốc cho CFC số tiền 5.391.731.964 đồng, đồng thời đề nghị CFC đàm phán để quyết toán nợ. Tiến trình xử lý khoản vay nói trên đang được MCM và CFC giải quyết trên tình thần hợp tác, xem xét lại các điều kiện cụ thể để xác định nghĩa vụ trả nợ và giải chấp tài sản đảm bảo làm cơ sở quyết toán khoản vay. Do vậy chưa có dấu hiệu nợ xấu và nguy cơ mất vốn.
Như vậy có thể thấy, giai đoạn từ 29/05/2008 đến 31/08/2011 ông Bùi Hồng Minh được giao và đảm nhiệm chức vụ Thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc CFC đã luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, phương thức tổ chức hoạt động của Ban điều hành (Ban Tổng Giám đốc) CFC; tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng quản trị CFC; cơ chế kiểm soát của Ban Kiểm soát. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng cho vay, ông Bùi Hồng Minh đã điều hành Ban Tổng giám đốc và các Phòng, ban chức năng kiểm soát quá trình giải ngân, thu hồi khoản vay và lãi theo đúng quy định. Ngày 25/06/2011, MCM đã trả khoản lãi 3,25 tỷ đồng theo quy định tại Điều 5, Hợp đồng tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM ngày 31/8/2010.
Được biết, tại các phiên họp, Hội đồng quản trị CFC, các báo cáo tổng kết năm 2011 của CFC đều đánh giá hiệu quả của việc cho MCM vay vốn. Theo Kết luận Thanh tra số 509/KL-TTGSNH1 ngày 14/3/2012 của Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng tại CFC thì khoản cho vay đối với khách hàng MCM được thống nhất phân loại nợ nhóm 1. Như vậy, thời gian ông Bùi Hồng Minh giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc CFC từ ngày 29/05/2008 đến 31/08/2011 khoản cho MCM vay đã được thực hiện theo đúng quy định.
Đáng nói, ngày 01/9/2011, ông Bùi Hồng Minh được Vicem điều động và đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP xi măng Bỉm Sơn. Ông Bùi Hồng Minh cũng đã bàn giao công việc, nhiệm vụ của Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc theo quy định.
Ông Lê Nam Khánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị giai đoạn từ tháng 05/2012 - 04/2016, chịu trách nhiệm trong việc quyết định và chỉ đạo chuyển khoản cho vay đối với MCM (là khoản tín dụng đang được xếp là khoản nợ trong hạn, nợ nhóm 1) thành khoản nợ xấu (nợ nhóm III) để báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Trên đây là những số liệu trong quá trình hoạt động của CFC gắn với từng thời kỳ của người đứng đầu doanh nghiệp. Có thể thấy rõ trách nhiệm của những cá nhân trong công tác quản lý của CFC nếu để xảy ra mất vốn Nhà nước.
Điều 13 Luật doanh nghiệp, ngày 17 tháng 6 năm 2020 quy định: Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.