Tuy áp được mức giá cao, nhưng doanh thu từ dịch vụ sử dụng cầu, bến chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong doanh thu của cảng.
Theo Cục Hàng hải VN, hiện nay có khoảng hơn 200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cầu, bến tại các cảng biển. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng thu với mức giá tối đa theo quy định tại Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT.
Mức giá dịch vụ cầu, bến cảng của các doanh nghiệp hiện nay hầu hết đều áp dụng mức giá tối đa trong khung giá quy định. Ảnh minh họa
Cụ thể, đối với các tàu nội địa, mức giá cụ thể được áp dụng theo từng cỡ tàu hoạt động neo đậu tại cầu, bến cảng. Tàu 5.000 GT có mức giá khoảng 75.000 đồng/giờ, tàu 10.000 GT áp mức 150.000 đồng/giờ. Đối với những tàu có cỡ lớn hơn như tàu 30.000 GT có giá neo đậu khoảng 450.000 đồng/giờ và tàu 50.000 GT sẽ phải trả 750.000 đồng/giờ.
Với các tàu biển quốc tế, tàu cỡ 10.000 GT có mức giá khoảng 31 USD/giờ. Tàu 30.000 GT được áp mức giá 93 USD/giờ. Đối với tàu 50.000 GT, giá cho 1 giờ neo đậu khoảng 155 USD. Đặc biệt, với những tàu 100.000 GT sẽ phải trả 310 USD/giờ khi neo đậu tại bến phao.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh thu từ dịch vụ sử dụng cầu, bến hiện chiếm tỷ lệ khoảng 6%-10% doanh thu của cảng. Mức giá dịch vụ này cũng chỉ như một phụ phí trong dịch vụ cảng nên các bên giữa cảng và hãng tàu dùng để thương lượng sau cùng.
Ông Võ Thành Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang cho biết tại Hậu Giang hiện nay, khung giá các dịch vụ cảng biển đều thuộc top thấp nhất cả nước.
“Các doanh nghiệp làm cảng luôn muốn có mức giá cầu, bến cao để đầu tư cầu bến, bù đắp chi phí khấu hao. Tuy nhiên, mức giá cầu bến thực ra khá thấp, chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong doanh thu nên điều quan trọng vẫn là cần điều chỉnh tăng giá xếp dỡ cảng biển”, ông Phong chia sẻ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển VN Hồ Kim Lân nhận định, giá cầu bến, phao neo thường được các doanh nghiệp đưa ra tùy theo nhu cầu của thị trường và chi phí đầu tư của cảng. Đối với mức giá này cũng chưa có nhiều sự cạnh tranh nên các doanh nghiệp vẫn áp mức tối đa.
Tuy nhiên, ông Lân cho rằng việc xây cảng cứng có mức vốn đầu tư khá lớn. Do đó, trường hợp có những doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư lớn cho hạ tầng cảng cứng, có thể xem xét trong việc giảm giá để cạnh tranh.
Mức giá dịch vụ sử dụng cầu, bến hiện nay được tính cơ sở mức phí quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTC và Quyết định 98/2008/QĐ-BTC ngày 04/11/2008 của Bộ Tài chính ban hành quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Mức giá này đã được giữ nguyên (không tăng) hơn 10 năm (từ năm 2008 đến nay).
Trong đó, mức giá quy định cho tàu hoạt động nội địa chỉ bằng 21-35% mức giá quy định đối với tàu hoạt động quốc tế.