Nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, khiến chỉ số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 6% so với tháng trước...
Ảnh minh họa.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%. Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê cũng cho hay, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19.
NỖ LỰC “KÉO” SỨC MUA
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, sức mua trên thị trường bán lẻ đã phần nào cải thiện sau đại dịch. Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến thị trường, buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc kế hoạch kinh doanh để duy trì sức mua. Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới.
Trong đó, giải pháp quan trọng là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng, thực hiện nhiều chương trình giảm giá để cải thiện sức mua. Ví dụ như hệ thống WinMart/WinMart+ đã ứng dụng công nghệ vào xây dựng hệ thống logistics nội bộ, bước đầu giúp giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng triển khai các chương trình khuyến mại 2 tuần/kỳ, khuyến mại lên tới 50% áp dụng cho nhiều ngành hàng, có gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Phía đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, hiện đã đi ít lại và giỏ hàng nhiều hơn, không còn đi mua sắm nhiều lần như trước đây. Người tiêu dùng cũng quan tâm các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn. Do đó, doanh nghiệp sẽ duy trì hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu giảm giá 10 - 50%, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa, duy trì sức mua. Đơn vị này còn chú trọng hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt và tăng sức mua bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá luân phiên đa dạng mặt hàng.
Người tiêu dùng quan tâm các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, ghi nhận ngay từ đầu tháng 3/2023, khách hàng có thẻ thành viên Co.opmart khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op sẽ được tham gia chương trình “Tích tem đổi quà”. Đây là chương trình giúp khách hàng tiết kiệm đến 79% chi phí so với mua bằng hình thức thông thường. Chương trình nhận được sự đồng hành từ những thương hiệu lớn như Coca Cola, Unilever, P&G, Mondelez Kinh Đô, Colgate, O’Food, Hometex... Bộ quà tặng năm nay là sản phẩm được sản xuất từ sợi nhựa PET tái chế với thông tin tra cứu minh bạch theo mã sản phẩm xanh trên thẻ thông tin sản phẩm.
Khảo sát tại nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như Indochina Plaza Hanoi, Vinhomes Metropolis, Lottte, Royal City... cũng cho thấy, để duy trì kinh doanh, đa số các nhãn hàng, thương hiệu tại đây đã đồng loạt tung gói khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng chi tiêu như mua 1 tặng 1, tặng voucher giảm 10% cho hoá đơn từ 500.000 nghìn đồng, miễn phí một vé buffet cho nhóm khách 4 người trở lên...
Các hệ thống siêu thị lớn khác cũng liên tục triển khai các chương trình giảm giá 2 tuần/kỳ, khuyến mại từ 20 - 50% áp dụng cho nhiều ngành hàng. Đại diện các siêu thị này cho biết, để giữ được mức giá ổn định cho người tiêu dùng, họ cũng nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp. Đồng thời, mở các gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
DỰ ĐOÁN MỘT NĂM NHIỀU KHÓ KHĂN
Các chuyên gia nhận định, diễn biến phức tạp trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, áp lực lớn nhất là chi phí đầu vào "leo thang" hai năm qua. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người.
"Người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn..."
Theo các nhà bán lẻ, doanh nghiệp tại TP.HCM, năm 2023 cũng là năm mà kinh tế Việt Nam dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, riêng mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Một số đơn vị cũng thận trọng công bố mục tiêu doanh số, như Saigon Co.op phấn đấu mục tiêu doanh số 2023 tăng trưởng 4% so với cùng kỳ.
Nhà bán lẻ WinMart/WinMart+ cũng đánh giá, năm 2023 dự báo sẽ là một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế, trong đó có hoạt động bán lẻ. Những tháng đầu năm, nhất là cao điểm mua sắm Tết, WinMart/WinMart+ ghi nhận lượng người mua tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị giỏ hàng giảm đáng kể. Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị BRG đánh giá, thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi, mua số lượng nhỏ nhiều hơn là mua số lượng lớn. Xu hướng giảm sút ở kênh bán hàng trực tiếp đã xuất hiện nhưng chưa quá rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu khoảng 5,5%/năm, cao hơn mức chung của khu vực, cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội. Trong đó, công nghệ chính là “chiếc chìa khóa” mở cửa đến sự phát triển bền vững của thị trường trong tương lai. Do đó, đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phân phối, bán lẻ cần nỗ lực chủ động nắm bắt và đón đầu xu hướng công nghệ để tạo sự thuận tiện và ngày càng hoàn thiện khâu trải nghiệm của khách hàng.
Báo cáo về triển vọng ngành bán lẻ của SSI Research nhận định, các sản phẩm tiêu dùng sẽ tiếp tục ảm đạm đến hết nửa đầu năm 2023, sau đó các mặt hàng tiêu dùng gia dụng và sản phẩm thực phẩm sẽ phục hồi từ quý 3 khi các áp lực tăng giá giảm bớt và từ ngày 1/7/2023 thời điểm tăng lương sẽ kích thích mua sắm phục hồi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang có cơ hội tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn khi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Chi phí vốn giảm, doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng nhiều hơn… các doanh nghiệp bán lẻ có cơ hội phát triển trở lại.