Trong khi dòng tiền ngoại giảm sút thì dòng tiền nội đang có tín hiệu khởi sắc trở lại, cho thấy tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ đang dần ổn đỉnh nhờ hiệu ứng giảm lãi suất. Dù vậy, chuyên gia cho rằng, tiền vẫn sẽ đắt, thị trường dự báo còn gặp khó, gây ảnh hưởng đến sự duy trì của dòng vốn nội.
Kể từ đầu tháng 4, riêng trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4/5 phiên với tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng. Điều này cho thấy, tần suất các phiên bán ròng của khối ngoại đang có dấu hiệu dày đặc hơn thời gian gần đây.
Tiền nội nhen nhóm trở lại
Nhìn chung, dòng tiền ngoại suy yếu một phần đến từ việc một số quỹ ngoại chủ động lớn không còn nhiều dư địa để giải ngân. Bên cạnh đó, dòng vốn ETF đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt.
Giao dịch sôi động gần đây nhiều khả năng đến từ sự nhập cuộc trở lại của dòng tiền nội.
Trái ngược với động lực từ khối ngoại yếu dần, thị trường chứng khoán lại bất ngờ giao dịch sôi động hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Điển hình, trong phiên giao dịch ngày 6/4, thanh khoản khớp lệnh trên HoSE ghi nhận lên đến hơn 14.800 tỷ, cao nhất kể từ đầu tháng 2. Trong 6 phiên gần nhất tính đến 7/4, giá trị này đều đạt trên 10.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức bình quân 7.600 tỷ/phiên trong tháng 3 (thấp nhất trong vòng 28 tháng).
Mặc dù chưa thể bùng nổ với những phiên giao dịch tỷ USD nhưng sự cải thiện về mặt thanh khoản là một tín hiệu tích cực với thị trường. Và giao dịch sôi động gần đây nhiều khả năng đến từ sự nhập cuộc trở lại của dòng tiền nội.
Còn quá sớm để khẳng định dòng tiền lớn đã thực sự trở lại, song việc giá trị giao dịch của thị trường cũng cải thiện đáng kể qua từng phiên. Từ đầu tháng 4 đến nay đều đạt 12.000 - 13.000 tỷ đồng mỗi phiên thay vì chỉ 7.000 - 8.000 tỷ đồng so với những tuần trước cho thấy nhà đầu tư nội đang dần lấy lại niềm tin vào kênh này trong khi khối ngoại giao dịch ảm đạm.
Đáng chú ý, việc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có mức tăng áp đảo nhóm vốn hóa lớn cũng là một tín hiệu cho thấy dòng vốn nội đang âm thầm trở lại. Bởi lẽ dòng tiền đổ vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ thường là dòng tiền đầu cơ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Chẳng hạn, cũng trong phiên 6/4 vừa qua, dòng tiền vào ổn định, thanh khoản duy trì khá. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực giảm, trong khi nhiều mã nhỏ và vừa vẫn tăng tốt. Thậm chí, doanh nghiệp của các mã penny này có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, song cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh.
Trước đó, trong phiên 5/4, VN-Index tiếp tục rung lắc và tích lũy quanh vùng 1.070-1.080 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu nhỏ, vừa. Các mã penny của nhóm bất động sản tăng mạnh.
Thực tế, trên các trang diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu khoe lãi trở lại và cho biết yên tâm với thị trường.
"Nhiều người trong nhóm của tôi mua cổ phiếu dầu khí, thép, chứng khoán, đầu tư công... đã có mức sinh lời 10%-20% trong những ngày qua. Thanh khoản thị trường vượt 12.000 tỷ đồng cũng giúp nhà đầu tư an tâm vì dòng tiền trở lại", anh Ngọc Giang (Hà Nội) cho biết.
Không nên vội mừng?
Không thể phủ nhận xu hướng hạ nhiệt của lãi suất là một tín hiệu tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn và tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Bởi điều này mang theo kỳ vọng, tiền rẻ đang trở lại, chứng khoán sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại, thôi thúc nhà đầu tư “mua bán” trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận xét, thời kỳ tiền rẻ khó quay trở lại, mang tới dự báo thị trường sẽ vẫn có nguy cơ gặp khó khi mà tiền vẫn “đắt”. Và dĩ nhiên thị trường điều chỉnh sẽ tác động khá lớn tới tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chưa kể với bối cảnh hiện tại cũng không thể bơm tiền mạnh mẽ như năm 2019-2021. Do đó, kỳ vọng một con sóng lớn bứt tốc vào thời điểm này là khó khăn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, lãi suất sẽ không giảm về mức quá thấp. Thời kỳ tiền rẻ đã qua, rất khó trở lại và khó quay về mức thấp như thời điểm Covid-19.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Nhất Việt đánh giá, việc hạ lãi suất trong thời kỳ này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dòng tiền sẽ không thể giữ ở vùng giá quá rẻ lâu như vào năm 2020 và 2021. Còn chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank nhận định, dù lãi suất đã giảm, song chưa thể về ngang với thời kỳ "tiền rẻ".
Chưa kể, ngoài dòng tiền thì yếu tố quyết định xu hướng thị trường trung và dài hạn còn bao gồm cả triển vọng kinh doanh. Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ rất yếu, đặc biệt trong quý I khi khu vực sản xuất đang suy giảm rất nhanh, xuất khẩu gặp khó và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu nhen nhóm,…..
Giới phân tích dự báo, bức tranh kinh doanh quý I/2023 sắp lộ diện tới đây sẽ có nhiều gam màu ảm đạm.
Định giá P/E của VN-Index trong quý IV/2022 sau khi xác nhận đáy lịch sử mới đã phục hồi đi lên, cán mức 12,22 lần (ngày 5/4). Mức định giá này tương đối thấp so với trung bình 10 năm qua, nhưng đã tăng lên đáng kể so với thời điểm tháng 11 năm ngoái. Do đó, việc dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục suy giảm trong quý I có thể kéo định giá chứng khoán tăng cao hơn trong thời gian tới.
Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận sau thuế quý I/2023 có thể tăng trưởng âm 17% so với cùng kỳ, dựa trên kịch bản dự báo cơ sở về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp mang tính đại diện cho các nhóm ngành mà đội ngũ phân tích lựa chọn.
Trong khi đó, kịch bản cơ sở cho tăng trưởng lợi nhuận quý I/2023 của VDSC cho thấy, định giá P/E của VN-Index có thể tăng lên khoảng 15 lần. Do đó, VDSC lo ngại về rủi ro thị trường giảm định giá sau khi mùa báo cáo quý I diễn ra.
Nhìn chung, việc hạ lãi suất đang mang tới hiệu ứng tích cực, nhất là có tác dụng kích hoạt dòng vốn nội quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, trước những thông tin trái chiều, dự báo thị trường vẫn còn gặp khó, việc dòng vốn này có thể duy trì hay không vẫn còn là câu hỏi.