Quan sát đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra của một số doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ thấy những khó khăn, thiếu hụt, tăng chi phí về nguyên liệu rất cần được lưu tâm. Một khi chưa giải quyết được mặt yếu này thì hoạt động xuất khẩu, tính cạnh tranh và sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ càng gặp rủi ro, bất lợi.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra cuối tuần qua, CTCP Thực phẩm G.C (
GCF) - hoạt động trong ngành chế biến nông sản liên quan đến nha đam và thạch dừa, đã thông qua mục tiêu doanh thu hơn 523 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước). Tuy nhiên, điểm gây chú ý mục tiêu lợi nhuận sau thuế trong năm nay chỉ có gần 27 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước.
Mối lo thiếu hụt nguyên liệu
Lý giải về vấn đề chỉ tiêu lợi nhuận đi ngang, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT của
GCF, cho biết chi phí nguyên liệu đang cao hơn năm trước, tăng lên khoảng 4.000 đồng/kg. Với mục tiêu để duy trì mối khách hàng lâu dài và không bị gián đoạn cung ứng, nên
GCF chấp nhận giảm biên lợi nhuận trong năm 2023.
Tăng chi phí nguyên liệu khiến cho DN chế biến nông sản thận trọng về lợi nhuận trong năm nay.
Ngoài ra, theo ông Thứ, công ty đã đầu tư vào vùng nguyên liệu, dự kiến tự chủ được 30% vùng nguyên liệu trong năm 2023. Dự kiến,
GCF đang phát triển 50ha cây nha đam, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên đáng lẽ thu hoạch vào quý 1/2023 song đến nay sản lượng ít không như kỳ vọng.
GCF cũng kỳ vọng vùng nguyên liệu sẽ tốt hơn vào quý 3-4/2023. Do đó, công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ quý 2/2023 cho phù hợp với thực tế thị trường.
Còn ở đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 mới diễn ra của CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco), đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/7/2022 đến 30/6/2023), với kết quả lỗ trên 34 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm như trên cũng được cho là do bị cạnh tranh gay gắt bởi mía nước và thương lái thu gom mía nguyên liệu đưa đi các nhà máy ở khu vực miền Đông Nam bộ sản xuất.
Về kế hoạch cho vụ ép 2023-2024, Chủ tịch HĐQT Casuco cho biết, Nhà máy đường Phụng Hiệp (ở Hậu Giang) của công ty không đủ điều kiện để sản xuất.
Cần lưu ý thêm, tại Hậu Giang – địa phương được xem là “thủ phủ” mía của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong niên vụ 2022-2023, tổng diện tích mía đã xuống giống của địa phương chỉ đạt 3.377 héc ta, giảm 7,54% so với cùng kỳ do người dân chuyển đổi sang rau màu và cây ăn trái.
Khó khăn về nguyên liệu không chỉ riêng với Casuco mà là vấn đề của các DN mía đường trong nước. Nhất là khi diện tích trồng mía giảm liên tục từ niên vụ 2017-2018 do giá mía xuống thấp khiến nông dân chuyển đổi đất sang trồng các giống cây khác. Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong nước những năm gần đây, một số DN sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện.
Lo tác động tiêu cực
Trong báo cáo mới phát hành về ngành nông nghiệp từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect có cho rằng, giá thu mua mía sẽ ổn định hơn so với năm 2022 nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mía đảm bảo nguồn cung nội địa.
Tuy vậy, trong tháng 2/2023, tại tỉnh Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ cháy do mùa khô gây thiệt hại về sản lượng mía và thu nhập của người nông dân. Khu vực ĐBSCL cũng ghi nhận diện tích trồng mía giảm trong những năm gần đây do nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có lợi nhuận cao hơn.
Theo VnDirect, rủi ro của ngành mía đường là thời tiết hanh khô ở nhiều vùng mía dễ xảy ra cháy, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng mía. Giá mía giảm sẽ khiến nông dân giảm diện tích mía để chuyển sang cây trồng khác có lợi ích kinh tế cao hơn.
Bất lợi về nguyên liệu cũng là vấn đề với các DN trong ngành chế biến thủy sản. Đơn cử như với các DN chế biến tôm xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu trong nước năm nay được cho là có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn.
Tại đại hội cổ đông thường niên vào cuối tuần qua, xác định các khó khăn về lạm phát, về sự tăng trưởng tôm các nước đối thủ còn kéo dài tác động, HĐQT của CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết sẽ tập trung vào việc cải thiện giá thành sản phẩm. Nhất là thông qua khâu đẩy mạnh nuôi tôm, cụ thể trong nuôi tôm là thi công vùng nuôi mới 203ha và nỗ lực hoàn thiện toàn bộ ở quý 2/2023. Sau đó thả nuôi toàn bộ 240 ao làm xong, nâng tổng số ao nuôi lên hơn 600 ao.
Trong kiến nghị mới đây gửi tới Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), FMC có lưu ý ở trong nước có trên 2.000 cơ sở sản xuất cung ứng giống khó quản lý nổi, và thời gian qua cho thấy tôm giống trôi nổi, giá rẻ, chất lượng thấp, đã làm tỷ lệ nuôi thành công rất thấp, khiến giá thành tôm nuôi tăng cao.
FMC cũng đề xuất cần tăng cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn ASC đáp ứng các thị trường lớn. Hiện nay, diện tích nuôi đạt chuẩn ASC còn quá thấp, chưa tới 1% diện tích nuôi, trong khi của Ecuador là 20%, và tôm họ chiếm lĩnh thị trường EU, nơi yêu cầu chuẩn này rất phổ biến. Nguyên nhân do thực trạng ngành nuôi tôm chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, khó đáp ứng yêu cầu.
“Giải pháp là tạo sự khuyến khích nhà đầu tư tích tụ đất hình thành trang trại nuôi càng lớn càng tốt. Càng lớn thì thuận lợi đầu tư khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh”, phía FMC nêu rõ.
Ngoài ra, các DN ở ngành thủy sản cũng đang đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu thức ăn cho thuỷ sản. Theo chuyên gia phân tích của Vasep, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao.
Nói chung, nhìn vào những bất lợi về mặt nguyên liệu để thấy đã, đang và sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tính cạnh tranh và doanh thu, lợi nhuận của các DN chế biến nông sản.
Cho nên, điều cần làm trong thời gian tới là phải tiếp tục đầu tư mạnh vào vùng nguyên liệu. Điều này không chỉ bằng sự nỗ lực của bản thân DN mà cần sự liên kết theo chuỗi giá trị với nông dân, hợp tác xã và sự hỗ trợ từ khâu chính sách một cách đồng bộ hơn nữa.