Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa XNK. Để nâng cao vai trò đầu mối kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược để phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn. Phóng viên tạp chí Hải quan đã trao đổi với ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam xung quanh nội dung này.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng dịch vụ logistics tại TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay?
TPHCM là trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, nơi tập trung khoảng 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam. Thành phố cũng đã thành lập Hiệp hội logistics của thành phố (HLA). TPHCM là đầu tàu của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Riêng các tỉnh khác là Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang, kinh tế rất phát triển, nhưng hoạt động dịch vụ logistics chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, việc hoạt động kết nối nói chung cần cải thiện; dư địa phát triển dịch vụ logistics là rất lớn. Nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu có các cảng biển nước sâu và tiềm năng phát triển trung tâm dịch vụ logistics của khu vực.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, một thành phố phát triển cần có ba đột phá, là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, đột phá hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TPHCM nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung còn thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng gia chi phí về logistics cho các doanh nghiệp. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
Hạ tầng logistics của thành phố có nhiều khó khăn, gây ách tắc tới giao thương hàng hóa là điều dễ thấy đối với một thành phố phát triển như TPHCM. Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố đã có nhiều cố gắng và giải pháp tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên có lẽ cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa đối với những dự án đã bị chậm nhiều năm qua, trong đó dự án vành đai 3, các dự án/biện pháp giải quyết các nút thắt kết nối giao thông như cảng Cát Lái – Khu vực Mỹ Thủy, cảng SP-ITC, Hiệp Phước, vấn đề nạo vét luồng Soài Rạp… Ngoài kết cấu hạ tầng cứng, thành phố cũng cần đột phá thêm về hạ tầng mềm là cải thiện và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý giao thông, giảm các thủ tục hành chính, nhất là cải tiến thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, xem xét việc giảm tiếp phí hạ tầng cảng biển… qua đó nhằm giảm chi phí logistics của thành phố.
Ngoài hạ tầng, lãnh đạo TPHCM đã chỉ ra "điểm nghẽn" lớn đang cản trở sự phát triển logistics đó là phát triển nguồn nhân lực. Theo ông, để khắc phục hạn chế này, các doanh nghiệp logistics và cơ quan quản lý cần có những giải pháp gì?
Nguồn nhân lực logistics chất lượng cao trong điều kiện chuyển đổi số, phát triển logistics xanh là rất cần thiết cho phát triển kinh tế nói chung và dịch vụ logistics của thành phố nói riêng.
Để giải quyết điểm nghẽn lớn là nguồn nhân lực, các cơ quan quản lý Thành phố cần kết hợp chặt chẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Cần giao cho Hiệp hội HLA chủ động phối hợp với Viện VLI của VLA cũng như các cơ sở đào tạo logistics hiện nay để đào tạo theo các chương trình của FIATA, đào tạo nghề Aus4kill và tổ chức tham quan học tập ở các Trung tâm logistics trong khu vực và trên thế giới phù hợp với TP HCM, đặc biệt là chú trọng phát triển Logistics đô thị (Urban Logistics). Hiệp hội VLA sẵn sàng hợp tác với thành phố trong công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao.
Để logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao vai trò đầu mối giao thương hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với quốc tế, TPHCM cũng như các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thực hiện những giải pháp căn cơ gì, thưa ông?
Theo tôi, TPHCM và các tỉnh cần xây dựng Kế hoạch hành động hoặc chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics đến năm 2030 một cách cụ thể dựa trên Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và các Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương đã dược thông qua. Trong đó chú trọng biện pháp phát triển logistics xanh, logistics thông minh. Có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.
Cần nhanh chóng phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mạnh, có thể cung cấp các dịch vụ tích hơp, như 3PL, 4PL. Sở Công Thương cần làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu với DN cung cấp dịch vụ logistics để hợp tác trong việc hỗ trợ dịch vụ logistics và giảm chi phí logistics.
Thành phố và các tỉnh cần dành quỹ đất thích hợp và có chính sách khuyển khích cụ thể để các doanh nghiệp phát triển kho bãi làm hàng, nhất là kho lạnh. Hỗ trợ vốn, ưu đãi khác để doanh nghiệp phát triển phương tiện làm hàng. Phát triển các cảng cạn và trung tâm logistics, giúp cho việc giải quyết ách tắc về giao thông. Và trên hết là tăng cường hợp tác liên kết vùng, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với thúc đẩy chuyển đổi số, yêu cầu cấp bách hiện nay.
Xin cảm ơn ông!