Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý trong thời gian tới sẽ tăng, như giá dịch vụ giáo dục, giá điện, sách giáo khoa…, do đó trong quá trình điều hành phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ tác động trước khi ban hành.
Theo đó, giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tổng cục Thống kê ước tính nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,82 - 1,09%.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường. Năm 2023 Tổng cục Thống kê ước điều chỉnh giá dịch vụ tế tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,16 - 0,25%.
Giá điện đã không được điều chỉnh trong 4 năm qua. Ảnh: TL.
Về giá điện, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 có thể được xem xét điều chỉnh căn cứ theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với giá sách giáo khoa (SGK), theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện lộ trình triển khai SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2023-2024 sẽ áp dụng bộ SGK mới lớp 4, lớp 8, lớp 11, dự kiến quý II/2023 sẽ được cung ứng ra thị trường với mức giá dự kiến có thể có biến động so với bộ sách giáo khoa hiện hành.
Giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Bộ Giao thông vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành). Thời gian dự kiến thực hiện từ quý II - III/2023 ước tác động đến chỉ số CPI 2023 khoảng 0,07%.
Trên thực tế, việc điều chỉnh tăng giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều được cân nhắc hết sức thận trọng. Các bộ, ngành đều phải đánh giá kỹ tác động và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, cân nhắc. Việc điều hành phải hài hòa, linh hoạt, đảm bảo lợi ích giữa nhà nước- người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo giữ lạm phát theo mục tiêu đề ra./.