Vào hôm 12/4, Kazakhstan – nước khai thác hydrocarbon lớn, cho biết đã yêu cầu mở tòa án trọng tài quốc tế nhằm giải quyết tình trạng nhiều gã khổng lồ dầu mỏ lạm dụng quyền khai thác và điều hành những mỏ chiến lược, với chi phí được trừ lên đến 16,5 tỷ USD sau thuế.
Theo hãng thông tấn Kazinform, ông Almassadam Satkaliev - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Kazakhstan, cho biết ông đang nhắm mục tiêu đến những nhà vận hành mỏ dầu Kachagan và Karatchaganak, như Eni, Shell, TotalEnergies và ExxonMobil, cũng như KazMunayGas của Kazakhstan.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ Kazakhstan đang đặt câu hỏi về con số chi phí được trừ, vốn lên tới 13 tỷ USD đối với mỏ Kachagan và 3,5 tỷ USD cho Karatchaganak.
Hợp đồng khai thác hai mỏ dầu quy định rằng, các nhà khai thác có thể khấu trừ chi phí từ doanh thu, trước khi phân chia số tiền với Chính phủ Kazakhstan.
Hãng thông tấn Nga Ria Novosti dẫn lời Bộ trưởng Almassadam Satkaliev như sau: “Đây không phải là tranh chấp về thuế, mà là vấn đề tuân thủ đúng thỏa thuận về phân chia sản phẩm”.
Với trữ lượng ước tính đạt 13 tỷ thùng dầu thô, Kachagan là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới, nằm dưới sự vận hành của Eni, Shell, TotalEnergies, ExxonMobil, KazMunayGas, Inpex và CNPC.
Tuy được phát hiện vào năm 2000 ở phía bắc Biển Caspian, mỏ dầu này đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất phức tạp. Do đó, hoạt động sản xuất chỉ mới được triển khai ở đó từ năm 2016, sau nhiều năm trì hoãn và tiêu tốn hơn 50 tỷ USD.
Ngoài ra, hủy hoại môi trường cũng là một vấn đề ngày càng trở nên cấp bách.
Vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Sinh thái Kazakhstan xác nhận đã kiện Liên doanh điều hành Kachagan vì có hành vi vi phạm những tiêu chuẩn sinh thái. Theo Bloomberg, số tiền bồi thường thiệt hại môi trường có thể lên tới 5,1 tỷ USD.
Còn Karachaganak - mỏ dầu trong đất liền, thì nằm ở miền tây bắc Kazakhstan. Mỏ dầu nằm dưới sự điều hành của Eni, Shell, KazMunayGaz. Ngoài ra còn có Chevron của Mỹ và Lukoil của Nga.
Miền tây Kazakhstan là khu vực tụ họp những mỏ dầu lớn của đất nước.
Trong 15 năm qua, ở miền tây đất nước, người lao động trong ngành dầu mỏ đã mở nhiều cuộc đình công và phong trào xã hội. Sau đó, phong trào phản đối lan rộng khắp Kazakhstan. Đỉnh điểm nhất là cuộc bất ổn xã hội nổ ra vào tháng 1 năm 2022, khiến hàng chục người vong mạng.
Nguyên nhân đình công thường bắt nguồn từ vấn đề thiếu công bằng trong việc phân chia doanh thu dầu mỏ, cùng đó là tệ nạn tham nhũng của giới tinh anh.