Trước các khó khăn hiện hữu, các đơn hàng trong nước đang là cứu cánh của các doanh nghiệp (DN). Đơn hàng trong nước tuy số lượng không lớn nhưng đủ để DN có thể cầm cự sản xuất, duy trì việc làm, thu nhập của người lao động, vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Đức Thành (TP.Tân Uyên)
Bù đắp thiếu hụt
Trong quý I-2023, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh với sự suy giảm của nhiều ngành hàng chủ lực. Điều này đã và đang buộc các DN phải có hướng đi để vượt qua khó khăn.
Xuất phát điểm là những DN nhỏ, sau nhiều năm phát triển hiện nay ngành chế biến gỗ nội thất của Bình Dương đã có những DN sản xuất chế biến gỗ lớn với doanh thu xuất khẩu hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Đây là những nhân tố góp phần đưa ngành gỗ đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy vậy, từ cuối năm 2022 đầu năm 2023, việc xuất khẩu gỗ không mấy thuận lợi khi nhiều DN bị sụt giảm đơn hàng ở các thị trường truyền thống. Quý I-2023, ngành gỗ Bình Dương sụt giảm đơn hàng đến 41%. Trong bối cảnh đó việc nhiều DN chọn giải pháp quay về sân nhà bởi thị trường nội địa được đánh giá là mảnh đất tiềm năng.
Một DN tiêu biểu cho xu hướng này là Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành (TP. Tân Uyên). Theo bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ DN bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85- 86%, thậm chí có lúc là 88% so tổng doanh thu, hiện tại DN đặt ra mục tiêu, tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20% trong năm tới. Để làm được điều này, hiện công ty đang đầu tư cho khâu thiết kế, marketing, quảng bá thương hiệu, chăm sóc các khách hàng nội địa. “Trong giai đoạn này, thị trường nội địa góp phần hỗ trợ giữ việc làm cho người lao động. Năm nay tỷ trọng xuất khẩu sẽ giảm xuống và nâng tỷ lệ nội địa lên”, bà Lê Hải Liễu thông tin.
Tuy vậy, việc quay về thị trường trong nước trên thực tế gặp không ít rào cản. Dù các DN đã chú trọng hơn tới thị trường nội địa, song sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, nhất là ở phân khúc bình dân, mà chỉ đi vào phân khúc trung - cao cấp, hoặc vào một số công ty, công trình, dự án, trường học… Bởi thực tế, lâu nay chỉ có các DN nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các DN gỗ có quy mô lớn thường chỉ chú trọng xuất khẩu.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mifaco, cần phải có sự liên kết giữa nhiều bên để có thể tham gia vào chuỗi kinh doanh sản phẩm phù hợp với mình. Sự liên kết các bên này cũng đem đến nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm và DN mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa với những đơn hàng nhỏ lẻ.
Nắm bắt thị hiếu
Đối với ngành giày da, trong bối cảnh hiện nay các DN cũng tìm cách vượt qua khó khăn. Đơn cử như Công ty TNHH Giày Nam Bình (TP.Dĩ An) cũng rơi vào cảnh khan hiếm đơn hàng. Không bó tay ngồi chờ, Ban giám đốc công ty đã quyết định chuyển hướng, thay vì nhận đơn hàng nước ngoài về sản xuất thì tự làm ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc công ty cho biết: “Hiện nay, mỗi tháng công ty làm ra hơn 40.000 đôi giày cung ứng cho khách hàng trong nước, duy trì việc làm ổn định với mức lương cao cho 230 công nhân. Nếu chịu khó tìm hiểu, nắm bắt được thị hiếu khách hàng nội địa, DN sẽ thành công”.
Đối với các DN dệt may, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm, đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng quan tâm tới việc giảm thiểu sử dụng hóa chất, tiết kiệm nguyên liệu bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Để đáp ứng những yêu cầu này, DN của Bình Dương cần hướng đến tăng tính liên kết, hợp tác với nhau để ngoài việc tiêu thụ các mặt hàng của nhau còn tạo sức mạnh tổng thể, đủ năng lực nhận những đơn hàng lớn hơn, từ đó tham gia vào các chuỗi cung ứng của DN nước ngoài, DN lớn.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho rằng những dữ liệu mới nhất cho thấy, nhiều ngành sản xuất đã trải qua giai đoạn chật vật trong những tháng đầu của năm 2023 và dự báo sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn để duy trì hoạt động trong những tháng tới. Vì vậy, để tiếp sức cho DN vượt khó rất cần khâu quản lý và chính sách mạnh mẽ hơn, lâu dài hơn; tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để DN khai thác thị trường mới và thị trường nội địa, hỗ trợ vốn vay, giảm và giãn thuế, đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục.