Chính thức tái lập từ 1/1/1997 trên cơ sở chia tách từ tỉnh Sông Bé, trải qua hơn 25 năm xây dựng, phát triển, hội nhập và khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước-địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện.
Sự “thay da đổi thịt”của Bình Phước hôm nay đang chứng minh tỉnh tự tin bắt nhịp với trình độ phát triển của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước trong thời đại mới.
Tự hào khát vọng vươn lên
Những ngày đầu mới tách tỉnh, Bình Phước gặp nhiều khó khăn. Trong cơ cấu kinh tế của địa phương, lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm hơn 70%; các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ còn nhỏ bé; cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, nhất là về giao thông, điện, nước; thu ngân sách toàn tỉnh hơn 172 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước, chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm.
Thế nhưng, sau hơn 25 năm xây dựng, phát triển và hội nhập với khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện. Đến nay, nhiều chuyên gia nhận định, diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 9,1%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tăng 11,6% so năm 2021); xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, ước đạt 3.85 tỷ USD (tăng 12,28% so với năm 2021); thu ngân sách ước đạt 14.535 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021). Đặc biệt, một điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh sau 25 năm xây dựng và phát triển là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Nếu như năm đầu mới tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 75 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% GRDP của tỉnh (chủ yếu là chế biến và khai thác mỏ với 31 doanh nghiệp tư nhân) thì nay đã trở thành trụ cột chính của nền kinh tế địa phương. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Thành, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha (tỷ lệ lấp đầy trên 41%) và khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trên 28.000 ha, thành lập chín cụm công nghiệp. Toàn tỉnh có 346 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD.
Hình phối cảnh không gian xanh tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico.
Không chỉ vậy, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chuyển dịch đúng định hướng, chiếm 21,9%. Cơ cấu nội ngành phát triển tích cực, đúng hướng, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực chăn nuôi. Sản xuất từng bước gắn với chế biến và xuất khẩu, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cùng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch được chú trọng đầu tư và bước đầu có kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, đến nay Bình Phước đã chuyển sang chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Các cơ sở chăn nuôi lớn theo hình thức công nghiệp, hiện đại được hình thành và chiếm tỷ trọng cao; liên kết, khép kín từ chế biến thức ăn, sản xuất con giống đến chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ.
Với những lợi thế đang có, Bình Phước dần trở thành cái tên quen thuộc, là sự lựa chọn sáng giá từ nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn. Điều này đã tạo ra khối lượng sản phẩm cung cấp thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản... góp phần đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 20% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trở lại những năm 1997-1998, Bình Phước có 103 tuyến đường với chiều dài hơn 1.200 km nhưng xuống cấp trầm trọng; đường liên huyện, liên xã hoàn toàn là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nguyễn Tấn Hùng cho biết, hiện nay Bình Phước không còn bất lợi về kết nối giao thông với nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ rộng rãi, đặc biệt, hai tuyến cao tốc sắp hình thành Bình Phước-Tây Nguyên và Bình Phước-TP. Hồ Chí Minh trở thành giao điểm quan trọng kết nối Đông Nam Bộ-Tây Nguyên. Trong tương lai không xa, tuyến đường sắt xuyên Á cũng sẽ được xây dựng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam đến Campuchia, Lào, Thái Lan... qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Tự tin vươn ra biển lớn
Cùng với những thành tựu đạt được và xuất phát từ thực tế, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra các mục tiêu, phương hướng lớn về phát triển giai đoạn 2020-2025,định hướng đến 2030, tầm nhìn năm 2050. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng là xác định các nhiệm vụ đột phá, chương trình, dự án trọng tâm của tỉnh, nhằm đưa Bình Phước chuyển từ “vị trí dự trữ tiềm năng thành động lực tăng trưởng và phát triển” cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Từ tư duy chiến lược đến quyết sách đột phá cụ thể, tỉnh sẽ hình thành ba trung tâm động lực là thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành và huyện Đồng Phú; ba hành lang phát triển là quốc lộ 13, quốc lộ 14 và đường ĐT741; ba vùng đô thị có sức lan tỏa mạnh là thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long.
Mọi chiến lược của Bình Phước đều vì mục tiêu phát triển là phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; bảo đảm quốc phòng-an ninh vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Song song đó, tỉnh cũng đề ra chiến lược phát triển phù hợp, phát huy lợi thế, khắc phục các khó khăn để đưa Bình Phước phát triển mạnh mẽ. Với lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng và 15 khu công nghiệp cùng hàng loạt cụm công nghiệp, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tạo nên một môi trường đầu tư lý tưởng. Bình Phước đã tự tin trong thu hút đầu tư, cả các nhà đầu tư trong nước lẫn các tập đoàn quốc tế đến làm ăn, hợp tác. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... được tổ chức thời gian qua đã góp phần không nhỏ xây dựng hình ảnh Bình Phước năng động, thân thiện, sẵn sàng hợp tác, đáp ứng được mong muốn của các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico.