Nhiều chiến lược gia quốc tế cho rằng các nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư vàng trong năm nay vì kim loại quý này vẫn còn nhiều không gian tăng trưởng trong thị trường đầy bất ổn và khi vị thế tiền tệ dự trữ của đồng USD suy giảm.
Vàng 99,99% tại nhà máy kim loại quý Krastsvetmet ở thành phố Krasnoyarsk thuộc vùng Siberia, Nga. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), trong phiên ngày 13/4, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất một năm.
Lúc 0 giờ 40 phút sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 2.042,50 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và thấp hơn khoảng 30 USD so với mức cao kỷ lục trong năm 2020. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,5% lên 2.055,30 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng USD đã giảm xuống sau số liệu cho thấy mức tăng giá sản xuất trong tháng 3/2023 đã giảm và số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Điều này cho thấy chương trình thắt chặt lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua đã gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Vàng có giữ đà tăng giá?
Vàng, vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn”, có xu hướng tăng giá trong thời kỳ kinh tế hoặc tài chính bất ổn, trong khi lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn của tài sản như vàng.
Ông Alexander Zumpfe, nhà giao dịch kim loại quý tại Heraeus, cho biết những dữ liệu kinh tế trên đã củng cố đánh giá của thị trường rằng chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc, điều này khiến vàng sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thêm vào đó, giá tiêu dùng của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 3/2023 do chi phí xăng giảm, nhưng chi phí thuê nhà cao liên tục khiến áp lực lạm phát âm ỉ.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, dự đoán: “Việc Fed dừng chu kỳ tăng lãi suất là một điều tích cực đối với vàng, tuy nhiên lạm phát nhìn chung vẫn cao hơn mức Fed mong muốn”.
Nhận định này được đưa ra sau khi biên bản cuộc họp của Fed đưa ra ngày 12/4 chỉ ra rằng một số nhà hoạch định chính sách đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất và dự đoán rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng gần đây sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Phòng trưng bày trang sức tại lễ hội vàng Akshaya Tritiya ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, ông Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF tại Abrdn, cũng chỉ ra nhiều lý do để lạc quan về đầu tư vàng trong năm nay.
Theo ông, với đà tăng hiện tại, việc giá vàng đạt mức cao kỷ lục một lần nữa chỉ là vấn đề thời gian. Tạo ra xu hướng tăng giá này cho vàng là kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ chấm dứt lập trường chính sách tiền tệ mạnh mẽ trước nửa cuối năm nay.
Hiện tại, các thị trường dự báo Fed sẽ thực hiện đợt tăng 25 điểm cơ bản cuối cùng vào tháng 5 và có thể sẽ cắt giảm lãi suất vào mua hè. Ông Minter lưu ý rằng những giai đoạn chuyển tiếp này trong lịch sử đã tạo nên “môi trường” vô cùng lạc quan đối với giá vàng
“Khi Fed tạm dừng tăng lãi suất vào năm 2000, giá vàng đã tăng 55%, khi họ tạm dừng vào năm 2006, giá vàng đã tăng 230% và khi Fed tạm dừng vào năm 2018, giá vàng đã tăng 70%. Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất vì họ không muốn trở thành lý do khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái”, ông nói.
Ông Minter nhận định khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách, lạm phát có thể sẽ khó được kiểm soát. Điều đó có nghĩa là lãi suất thực sẽ vẫn ở mức thấp, tạo ra một môi trường hấp dẫn cho vàng.
Ông lưu ý thị trường sẽ vô cùng biến động trong quá trình chuyển đổi chính sách tiền tệ này, nhưng vàng có thể đóng vai trò như một mỏ neo, mang lại sự ổn định nhất định cho các nhà đầu tư. Ông Minter nói rằng ông kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn chỉ số S&P 500 khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nếu xảy ra suy thoái và sau đó buộc phải giảm lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 6%, giao dịch ở mức trên 4.000 điểm. Trong khi đó, giá vàng tăng gần 9%.
Kênh đầu tư an toàn trong thị trường bất ổn?
Cửa hàng trang sức ở Grand Bazaar ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Không chỉ các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa bất ổn của thị trường và lạm phát, ông Minter chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương cũng có nhu cầu mạnh mẽ đối với vàng.
Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua mức kỷ lục 1.136 tấn vàng. Còn từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương đã mua 125 tấn vàng, mức khởi đầu một năm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Ông Minter cho rằng nhu cầu của ngân hàng trung ương đang tạo ra giá trị vững chắc trên thị trường. Ông dự báo xu hướng này sẽ sớm kết thúc và dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng vì nó vẫn là một công cụ đa dạng hóa hấp dẫn so với đồng USD.
Theo ông Minter, trong khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, Mỹ đã sử dụng đồng USD làm công cụ ngoại giao mới. Ông nói thêm rằng lập trường này đang thúc đẩy nhiều quốc gia có xu hướng ngả sang Trung Quốc.
“Câu chuyện phi USD hóa đang nóng lên trong những tuần gần đây, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu bạn thực sự muốn thay thế đồng USD thì bạn đang thiếu một số yếu tố khá quan trọng - như khả năng ‘kinh doanh chênh lệch giá ba bên’ và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, vàng có thể đáp ứng nhu cầu đó”, ông nhận định
Lý do cuối cùng khiến chuyên gia Minter lạc quan về vàng là mặc dù Fed đã siết chặt lãi suất do khủng hoảng ngân hàng, nhưng một lần nữa họ lại bắt đầu giải phóng thanh khoản trên thị trường.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra vào tháng trước, Fed đã mở rộng khoản tín dụng trị giá 323,3 tỷ UDDF thông qua ba chương trình cho vay, tăng từ mức chỉ dưới 5 tỷ USD vào đầu tháng 3.
“Trong lịch sử, khi bảng cân đối của Fed tăng lên, giá vàng cũng sẽ tăng theo”, ông giải thích.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters, Kitco News)