Bình luận về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các chuyên gia phân tích của Công ty CP FIDT cho rằng bất động sản sẽ là nhóm được hưởng lợi nhất...
Ảnh minh họa.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết theo thẩm quyền về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.
Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là thông tin được đánh giá là tích cực cho thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Một dự thảo được cho là của Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo nhằm cụ thể hóa về thời gian, đối tượng và nguyên tắc cơ cấu, phân loại trích lập dự phòng.
TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TỚI NHÓM NGÂN HÀNG, BẤT ĐỘNG SẢN?
Bình luận về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các chuyên gia phân tích của Công ty CP FIDT cho rằng thông tin này sẽ hỗ trợ mạnh cho nhóm ngân hàng, bất động sản và cả nền kinh tế.
Cụ thể, với nhóm ngân hàng, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chuyên viên phân tích của FIDT, thông tin cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được mong đợi sẽ tác động tích cực hơn là thông tin giảm lãi suất. Thứ nhất, lãi suất ngân hàng dù đã giảm 1-2% nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid.
Thứ hai, sau Covid nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thậm chí cá nhân cũng gặp khó khăn, câu chuyện đang nằm ở vấn đề thanh khoản cung - cầu trên thị trường tín dụng đôi khi không gặp nhau. Ví dụ, anh A là đối tượng ngân hàng ưa thích, tài chính tốt, muốn cho vay tuy nhiên trong bối cảnh này chưa chắc anh A muốn vay vì kinh tế khó khăn chưa biết đầu tư vào đâu? Trong khi đó, người cần vay hơn là anh B lại bị đánh giá vào nhóm nợ xấu. Thì khi Dự thảo được ra đời sẽ giúp cung - cầu gặp nhau và tác động tích cực cho nhóm ngân hàng.
Cũng theo ông Sơn, Ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ đối tượng doanh nghiệp để cơ cấu nợ. Bởi khi cơ cấu Ngân hàng vẫn phải trích lập, do đó để trích lập thấp nhất đảm bảo nhóm cơ cấu nợ khó lên nhóm 4 thì các ngân hàng buộc phải lựa chọn kỹ lưỡng.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc FIDT cho rằng, việc cơ cấu thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ nếu được thực hiện sẽ giúp chất lượng tài sản trên báo cáo tài chính của các ngân hàng được duy trì dù chất lượng nợ đã suy giảm. Tuy nhiên, việc vẫn phải trích lập dự phòng như thông thường dù đã được cơ cấu giữ nhóm nên chi phí trích lập vẫn sẽ lớn và lợi nhuận các ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng do trích lập khi tham gia tái cơ cấu đặc biệt là các ngân hàng chưa trích lập thừa so với quy định.
Ở góc độ người vay, theo đánh giá của chuyên viên phân tích FIDT, sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với việc giảm lãi suất. Vì khi cơ cấu lại thời hạn nợ sẽ không bị đẩy vào nhóm nợ xấu, doanh nghiệp vẫn có thể đi vay ngân hàng khác nếu đáp ứng tiêu chuẩn cho vay về tài sản đảm bảo, từ đó giúp duy trì dòng vốn dòng tiền, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực quý giá để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Động thái can thiệp hỗ trợ thị trường tài chính và bất động sản của Chính phủ có sự chọn lọc kỹ càng, doanh nghiệp nào qua được giai đoạn này sẽ tiếp tục phát triển còn doanh nghiệp nào trước đây làm ăn không uy tín sẽ rất khó để tồn tại. Đây là sự hỗ trợ có chọn lọc giúp cho doanh nghiệp và ngành kinh tế hồi phục hiệu quả mà không rơi vào tình trạng như giai đoạn 2012.
"Đáng lưu ý, các cá nhân đang vay mua bất động sản sẽ không được hưởng lợi từ chính sách này. Đối tượng hưởng lợi chỉ bao gồm doanh nghiệp sản xuất nếu đang khó khăn và doanh nghiệp phát triển bất động sản được hưởng lợi ở các khoản vay phục vụ cho kinh doanh bất động sản", ông Tuấn nhấn mạnh.
CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG VÀ BẤT ĐỘNG SẢN SỚM QUAY LẠI?
"Chúng tôi cho rằng đây là một thông tin tích cực vì sẽ hỗ trợ mạnh cho nhóm ngân hàng, bất động sản và cả nền kinh té trong đó có hai nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong Vn-Index. Kết hợp với các biện pháp giảm thuế đang chuẩn bị và gia hạn nộp thuế cho thấy sự hỗ trợ đồng bộ của cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, kỳ vọng lớn cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế", ông Huỳnh Minh Tuấn nói.
Ngân hàng và Bất động sản chịu áp lực điều chỉnh trong tuần vừa qua, tuy nhiên, theo ông Bùi Tiến Đức, đây là nhóm đáng chú ý trong thời gian tới. Trong đó, nhóm Bất động sản được đánh giá là hấp dẫn hơn so với Ngân hàng bởi Ngân hàng bị ảnh hưởng về tăng trích lập dự phòng.
Ngân hàng đang trong giai đoạn hỗ trợ nền kinh tế chữa bệnh nên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận không khả quan, do đó, việc đầu tư vào nhóm ngân hàng cần cẩn trọng và chọn lọc nhiều hơn.
Đầu tư vào ngân hàng có hai điểm đặc biệt cần quan tâm: Thứ nhất là ROE tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt trên 20% trong điều kiện bình thường; Thứ hai là chất lượng tài sản tốt phản ánh qua trích lập dự phòng, đơn cử như VCB luôn duy trì nợ xấu dưới 1% dự phòng cao, TCB và VCB cũng tương tự. Thứ ba là tăng trưởng lợi nhuận phải từ hoạt động cốt lõi của ngân hàng chứ không phải việc điều tiết chi phí dự phòng. Có những ngân hàng tăng giảm dự phòng để ra được con số lợi nhuận rất đẹp nhưng khi đầu tư thì cần nhìn sâu vào con số nhìn vào việc tăng trưởng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng.
"Hiện tại, nợ xấu ngân hàng đang xu hướng tăng, chi nhiều dự phòng hơn ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng ngân hàng, ảnh hưởng lên tỷ suất lợi nhuận trên vốn khiến ngân hàng ít hấp dẫn hơn trừ một só ngân hàng có câu chuyện riêng như VPB hay STB", ông Đức nói.
Ngược lại, nhóm bất động sản sẽ hấp dẫn hơn vì nhóm bất động sản bị ảnh hưởng nặng nhất thời gian qua, cả kể cổ phiếu cũng chịu áp lực giảm. Nhiều cổ phiếu giảm sâu như
VHM,
VNL,
PDR... khi chính sách ra nhóm này sẽ phục hồi mạnh hơn.
"Vấn đề mọi người cần chú ý là độ trễ chính sách, không phải Chính phủ kêu gỡ khó pháp lý bất động sản là ngày mai là gỡ hết đâu. Cần thời gian chờ đợi chính sách được thực thi thẩm thấu và tạo ra kết quả cho nền kinh tế", ông Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - vừa ký văn bản gửi Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng (cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và nhà ở) và Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng) theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, xem xét giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền về kiến nghị của Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (SACA), Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản; xây dựng cổng thông tin điện tử về quy hoạch, xây dựng.
Trước đó, SACA, VSCE và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… kiến nghị các giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển của khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản.