Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản…
Ảnh minh họa.
Thông báo kết luận nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng…, tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động; tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.
QUYẾT LIỆT TRIỂN KHAI CÁC CHỈ ĐẠO
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 178/TTg-CN.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp vướng mắc qua báo cáo của địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về Tổ công tác, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phân nhóm theo nguyên tắc:
Nhóm vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25/4/2023 để địa phương triển khai thực hiện. Còn nhóm vướng mắc do quy định của pháp luật thì cần chỉ rõ các điều, khoản của Thông tư, Nghị định và Luật…
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định; Xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường, làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng điều kiện cho vay, mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn địa phương, tháo gỡ khó khăn về việc áp dụng quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trước 25/4/2023; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP để áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tổ chức tín dụng triển khai thực hiện giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ DIỆN TÍCH ĐẤT CÔNG XEN KẸT NHỎ
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát vướng mắc của các Thông tư, khẩn trương sửa đổi, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 4/2023; chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhất là ở cấp huyện; hướng dẫn địa phương xử lý diện tích đất công xen kẹt nhỏ không thể tách thành dự án độc lập được.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bất động sản, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: điều kiện duy trì tỷ lệ góp vốn không thấp hơn 26% khi di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; về việc doanh nghiệp nhà nước có chuyển mục đích sử dụng đất; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.
Mặt khác, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất…
Cùng với đó, cần chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định rõ nguyên nhân, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn thuộc thẩm quyền; tổng hợp những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân vướng mắc gửi về Tổ công tác trước 25/4/2023 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, phải tập trung xây dựng và khẩn trương phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử danh mục các dự án, và có văn bản gửi tới Ngân hàng nhà nước Việt Nam danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, để các ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cơ chế cho vay đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng…
Thanh Xuân