Các nhà giao dịch đang bất an trước cảnh báo của Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon về nguy cơ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 5/4, sau sự sụt giảm trên phố Wall trong bối cảnh số liệu cho thấy thị trường việc làm sụt giảm, dấu hiệu thể hiện nền kinh tế chậm lại, và làm dấy lên quan ngại về cuộc suy thoái.
Trong ảnh (tư liệu): Bảng điện tử thông báo các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1,7% xuống 27.813,26 điểm do đồng yen mạnh lên làm gia tăng sức ép đi xuống.
Thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ. Chứng khoán Sydney, Bangkok và Jakarta giảm điểm, trong khi chứng khoán Singapore, Mumbai, Seoul, Manila và Wellington đi lên.
Các thị trường chứng khoán đã phần nào phục hồi sau cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng mới đây nhờ tâm lý lạc quan cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạn chế tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Đà tăng trên thị trường vẫn diễn ra hồi đầu tuần ngay cả sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu khiến giá mặt hàng này đi lên và làm gia tăng những lo ngại về lạm phát, vốn đã giảm bớt trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều sau số liệu cho thấy vị trí việc làm cần tuyển dụng lao động trong tháng 2/2023 tại các công ty Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn các dự báo.
Các nhà phân tích cho hay số liệu trên được xem là một lời cảnh báo nền kinh tế đang đi xuống. Bên cạnh đó, các nhà giao dịch đang bất an trước cảnh báo của Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon về nguy cơ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc và lạm phát có thể tăng lên các mức cao, thời gian tăng lãi suất kéo dài.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 2,41 điểm (0,22%) lên 1.080,86 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,85 điểm (0,88%) lên 212,58 điểm./.