Chỉ với vài thao tác, người mua có thể đặt được một chiếc áo mang thương hiệu xa xỉ, nhưng giá chỉ vài chục ngàn đồng. Việc bán hàng giả dường như đang được hoạt động một cách công khai trên trang thương mại điện tử Lazada.
Cam kết không đi đôi với hành động
Trên các nội dung quảng cáo của mình, Lazada cho biết chợ điện tử này kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái. Sản phẩm được đăng bán trên Lazada phải là hàng chính hãng được phân phối bởi nhà sở hữu thương hiệu và được nhà bán hàng xác nhận và cam kết (nhà máy có thể ở Việt Nam hoặc nước ngoài).
Trong quy định về quyền sở hữu trí tuệ, sàn thương mại điện tử này cũng nêu ra rất cụ thể các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như đăng bán các sản phẩm hoặc dịch vụ vi phạm bản quyền hoặc nhãn hiệu, sử dụng nội dung vi phạm nhãn hiệu hoặc bản quyền…
Một lời khẳng định nói không với hàng giả, hàng nhái của Lazada
Lazada cũng yêu cầu các đối tác bán hàng tuân thủ chính sách của nền tảng, cụ thể: "Nhà bán hàng là chủ sở hữu hoặc có quyền hợp pháp đối với các bằng sáng chế, bản quyền, bí mật thương mại, nhãn hiệu sản phẩm, tên thương mại, hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác".
Tuy nội dung cam kết là thế, nhưng để tìm mua một sản phẩm hàng giả, hàng nhái trên Lazada còn dễ hơn đi chợ. Nói là dễ hơn, bởi chỉ cần ngồi tại nhà và đăng nhập vào ứng dụng của Lazada trên điện thoại, nhập từ khóa cần tìm kiếm, ví dụ như các thương hiệu hàng xa xỉ như Gucci, Chanel, Versace… sẽ có một loạt các cửa hàng hiện ra với các thông tin như thương hiệu, số lượng đã bán, đánh giá sản phẩm.
Sau khi lựa chọn và cho vào giỏ hàng và thanh toán, khoảng vài ngày sau, một sản phẩm “hàng hiệu” có thể đến tay người mua chỉ với giá của một bát phở.
Đơn cử như một sản phẩm của thương hiệu thời trang nổi tiếng Gucci là chiếc túi Gucci Neo Vintage GG Supreme Belt Bag được một shop hàng hiệu tại Hà Nội treo giá bán là 27,5 triệu đồng. Khi tìm kiếm trên Lazada, có thể thấy một loạt các cửa hàng đang bán sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng, logo tương tự với giá từ 85 nghìn đồng - 140 nghìn đồng, tức là rẻ hơn khoảng 300 lần so với hàng chính hãng.
Hai sản phẩm có độ lệch giá hơn 300 lần
Đáng nói, trong phần mô tả của sản phẩm, phần thương hiệu được ghi rõ là của Gucci với xuất xứ Trung Quốc. Có hàng ngàn chiếc túi như vậy đã được bán ra từ các gian hàng khác nhau nhưng chỉ có một số ít được đánh dấu No Brand - không có thương hiệu.
Để trải nghiệm “hàng hiệu” giá rẻ, PV đã đặt thử một bộ quần áo thể thao được quảng cáo mang thương hiệu Nike với logo của hãng này in trước ngực áo chỉ với giá… 70 ngàn đồng. Bộ quần áo này thể hiện rõ các vấn đề của một sản phẩm hàng giả, hàng nhái với chất liệu kém, đường may xấu và đặc biệt là không có tem nhãn theo đúng quy định đối với mặt hàng thời trang.
Cụ thể, theo quy định về việc ghi nhãn hiệu đúng tiêu chuẩn của pháp luật, trên tem nhãn phải có đầy đủ các thông tin như tên quần áo và địa chỉ liên hệ của cơ sở kinh doanh quần áo; nguồn gốc, xuất xứ quần áo; thành phần hoặc thành phần định lượng của quần áo; thông số kỹ thuật quần áo; thông tin cảnh báo quần áo; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản quần áo; năm sản xuất…
Một bộ quần áo Logo của Nike với tem mác và chất lượng cực kém được PV mua với giá 70 ngàn đồng
Ngoài các sản phẩm nhái mẫu mã như nói trên, còn có hàng trăm, hàng ngàn gian hàng bán các sản phẩm như ốp lưng điện thoại, giày dép, dây đeo, phụ kiện trang trí… đang sử dụng logo và tên các thương hiệu nổi tiếng để quảng bá sản phẩm của mình đang được bán hàng ngày trên Lazada.
Với nhiều gian hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách công khai như vậy, nhưng dường như phía Lazada không hề có một biện pháp xử lý nào ngoài việc chờ thông tin phản ánh từ phía khách hàng và người bán.
Trong chính sách của mình Lazada cũng tuyên bố miễn trừ trách nhiệm với chất lượng sản phẩm. Việc đảm bảo chất lượng nguồn hàng được bên bán thực hiện. Nếu người mua phát hiện ra một cửa hàng nào bán hàng giả hoặc vi phạm nguyên tắc cộng đồng thì có thể thông báo qua trang thông tin sản phẩm hoặc thông báo qua mục chat với Lazada.
Hưởng lợi từ hàng giả
Mặc dù quảng cáo không thu phí đăng ký khi khởi tạo gian hàng, nhưng trên thực tế người bán hàng trên Lazada phải đóng các loại phí như phí thanh toán, phí cố định, phí voucher tích lũy, phí lưu kho, phí bồi thường và phí quảng cáo tiếp thị.
Các loại phí được tính với mỗi sản phẩm tuy không nhiều, nhưng khi cộng dồn hàng triệu sản phẩm được bán thông qua sàn thương mại điện tử này, đó sẽ là một con số khổng lồ.
Theo số liệu thống kê từ Metric.vn - Nền tảng số liệu E-commerce trong năm 2022, Lazada là sàn thương mại điện tử phổ biến thứ 2 tại Việt Nam, chiếm 20% thị phần và có doanh thu 26,5 nghìn tỷ. Trong đó, các sản phẩm thuộc hai phân khúc giá từ 100 - 200 nghìn đồng và từ 200 - 500 nghìn đồng đem lại doanh thu cao cho các nhà bán hàng khi chiếm tới 42,6% tổng doanh số trên các sàn thương mại điện tử. Qua tìm hiểu, đây cũng là phân khúc giá phổ biến của các loại sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bán nhiều trên Lazada.
Việc thu lợi nhuận từ các mặt hàng vi phạm pháp luật của Lazada cũng tương đồng với các thiệt hại mà các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất sản phẩm chính hãng phải chịu. Một loạt các sản phẩm chính hãng bị sao chép và đăng bán công khai với giá rẻ cũng là yếu tố đang giết chết các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chỉ cần gõ tên các thương hiệu hàng xa xỉ, một loạt gian hàng bán các sản phẩm sử dụng cùng logo, mẫu mã với giá rẻ sẽ hiện ra
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái hoành hành, ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Đề án đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.
Đề án cũng yêu cầu 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả. Đồng thời tăng cường, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
Với những phản ứng mạnh mẽ của Chính phủ, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đã có dấu hiệu đến giai đoạn cao trào. Tuy nhiên, để thành công trong cuộc chiến này vẫn cần sự hợp tác và thực hiện đúng quy định pháp luật của những ông lớn trong ngành thương mại điện tử như Lazada. Tránh để những cam kết chống hàng giả vẫn chỉ là lời nói mà không đi đến một hành động cụ thể.