Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu bị chững lại khiến cho kế hoạch sản xuất kinh doanh không đạt mục tiêu đề ra.
Công nhân Công ty CP May Vũng Tàu trong giờ sản xuất.
Đơn hàng giảm
Dù đã hết quý I/2023 nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng (TX. Phú Mỹ) vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Được biết, từ 8/2022 đến nay DN công ty gặp nhiều khó khăn vì không ký được các đơn hàng mới.
Ông Võ Ngọc Tường Linh, Giám đốc Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng cho biết, nguyên nhân là do thị trường châu Âu và Mỹ hàng tồn kho còn nhiều. Ngoài ra, tình hình suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ucraina cũng khiến cho nhiều đơn hàng bị hủy.
“DN đang cố gắng tìm khách hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động. Đồng thời, đang sắp xếp sản xuất tinh gọn, giảm chi phí sản xuất”, ông Võ Ngọc Tường Linh cho hay.
Báo cáo từ Sở Công thương cho thấy, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.726 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm sâu so với cùng kỳ như: xơ, sợi dệt sụt giảm mạnh nhất 92,42%; hàng dệt may giảm 33,73%, nguyên phụ liệu dệt, may,da giày giảm 35,24%; chất dẻo giảm 14,46%.
Doanh nghiệp ngành thép cũng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do nhu cầu ngành xây dựng sụt giảm cùng với sức ép giá cả do nguồn cung từ Trung Quốc tăng mạnh. Do đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này cũng giảm từ 22-35%; kim loại thường khác và sản phẩm giảm 87,56%.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh. Các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.
Theo đại diện Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Tàu), từ nay đến cuối năm dự kiến các đơn hàng giảm từ 40-50%. Công ty đang tìm mọi cách để xoay xở, vượt qua khó khăn, nếu như tình hình không được cải thiện thì khó hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu cho biết, nhu cầu mua sắm trên thế giới giảm mạnh do người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của DN trong năm nay.
Từ 8/2022 đến nay Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng gặp nhiều khó khăn vì không ký được các đơn hàng mới.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Năm 2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 11,23% so với năm 2022. Theo dự báo, tỉnh sẽ khó để hoàn thành chỉ tiêu này, do tình hình quốc tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp (lạm phát vẫn ở mức cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường Mỹ, EU)...
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu, Sở Công thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Về phía Bộ Công thương cũng đã và đang liên tục tổ chức công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho DN xuất nhập khẩu.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội DN và cộng đồng DN trong việc tìm hiểu thị trường tiềm năng mới như: châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm COVID, đồng thời nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu...