Thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm từ năm 2021 kéo sang năm 2022 với nhiều khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng trực diện từ lĩnh vực bất động sản bị ngưng trệ. Tuy nhiên, hàng loạt dự án đầu tư công đồng loạt khởi động trong năm nay sẽ là cú hích lớn cho ngành vật liệu xây dựng, trong đó có các sản phẩm bê tông ly tâm.
Ngoài công trình thủy lợi, các dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 cũng là nguồn cầu rất lớn cho sản phẩm bê tông ly tâm chất lượng. Ảnh: Nguyễn Văn
Theo chia sẻ của nhiều nhà thầu thi công công trình thủy lợi, đê kè tại khu vực phía Nam, hiện nhu cầu mua, sử dụng các sản phẩm cấu kiện bê tông dự ứng lực trước (gồm: cọc ống, cọc ván, dầm bê tông cốt thép, cọc vuông…) rất lớn. “Một nhà thầu đang thi công 2 - 3 dự án quy mô lớn sẽ cần trung bình mỗi tháng trên 10.000 cọc ống để đảm bảo tiến độ. Các nhà thầu đang tỏa đến khu vực tập trung nhiều nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông (bê tông ly tâm) để tìm hiểu đơn hàng, công suất và đàm phán giá như Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương”, một nhà thầu thi công công trình kè tại TP.HCM cho biết.
Đầu tháng 4/2023, theo chân các nhà thầu tìm đến khu vực được cho là tập trung nhiều nhà máy sản xuất bê tông ly tâm nhất tỉnh Long An - huyện Bến Lức, phóng viên ghi nhận không khí tấp nập tại những đơn vị sản xuất vật liệu này.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh tại Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức - Long An cho biết, hoạt động xây dựng trải qua thời kỳ khó khăn khiến nguồn cung ứng bê tông ra thị trường trước đây gặp nhiều cản trở. “Tuy nhiên, nhận thấy sự chuyển biến tích cực từ hoạt động đầu tư công, doanh nghiệp đã có chuyển hướng nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu chính yếu của thị trường, đặc biệt là nhu cầu từ các công trình sử dụng nhiều đến cọc ống, cọc ván, dầm bê tông…”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, sản phẩm của Công ty đã được sử dụng tại nhiều công trình thủy lợi như: nâng cấp kè công viên Bạch Đằng và Khu đô thị Phú Cường (Kiên Giang); hệ thống cống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày (Bến Tre); nâng cấp đê bao rạch Bà Lào - xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM)... Các dây chuyền sản xuất cọc của Công ty đang chạy hết công suất để đảm bảo cung ứng cho các nhà thầu.
Ảnh: Nguyễn Văn
Trong khi đó, tại xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức), Công ty CP Bê tông IBS đang là điểm đến của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu khi triển khai thi công công trình. Đây là doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất 200 - 250 sản phẩm/ngày đêm, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất cọc ống bê tông dự ứng lực bằng phương pháp quay ly tâm theo tiêu chuẩn JIS A 5335-1979 và JIS A 5337-1982 của Nhật Bản.
Đại diện Phan Vũ Group, một doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực sản xuất cừ ván bê tông cho biết, với nhiều đơn hàng mới được ký kết, hệ thống nhà máy của Công ty đang chạy hết công suất để đáp ứng yêu cầu.
Theo số liệu của Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng nông nghiệp, ngư nghiệp với tổng cộng 130 dự án mới. Đến nay, các cấp chính quyền đã phê duyệt 73 dự án. Từ năm 2023, hàng loạt dự án lớn của ngành này được khởi công sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng cọc dự ứng lực rất lớn.
Chỉ riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong 8 dự án thủy lợi ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đã phê duyệt được 6 dự án, vượt kế hoạch 3 dự án. 2 dự án còn lại đang được hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt. Trong năm 2023, Dự án Cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu và Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh trục vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ được khởi công.
Trước đó, trong tháng 11/2022, 8 gói thầu thuộc 3 dự án: Nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây; Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai.
Có thể nói, các dự án đầu tư công đã giúp phục hồi thị trường bê tông ly tâm. Bởi theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc Việt Nam (VIPA), trong năm 2021, các sản phẩm cọc bê tông ly tâm dự ứng lực có cung vượt xa cầu, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong Hiệp hội.
VPIA cho biết, sản phẩm cọc bê tông dùng trong việc gia cố nền móng nên có thể sử dụng được trong các công trình có liên quan như nhà ở cao tầng, cầu cảng, mố trụ cầu giao thông. Do đó, hàng chục dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 cũng là nguồn cầu rất lớn cho sản phẩm bê tông ly tâm chất lượng.