Trong quý I/2023, Thái Nguyên là một trong 48 địa phương của cả nước duy trì đà tăng trưởng về chỉ số và giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đạt mức tăng trưởng 9,5% trong cả năm, rất cần thêm cơ chế, chính sách của các ngành chức năng, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên. Ảnh: M.H
Quý I, trong bối cảnh cả nước và một số tỉnh có quy mô công nghiệp lớn như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam... giảm sâu về Chỉ số SXCN (IIP) so với cùng kỳ năm trước (từ 8,1-34,3%) thì Thái Nguyên vẫn duy trì được đà tăng trưởng Chỉ số IIP (6,11%) và giá trị SXCN (5,5%) so với cùng kỳ. Đây cũng là năm có Chỉ số IIP tăng cao thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây (năm 2021, Chỉ số IIP tăng 6,8% so với cùng kỳ).
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, giá trị SXCN trong quý I/2023 đạt 186,74 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Chia theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 173,46 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%. Nhóm các sản phẩm công nghiệp có sản lượng sản xuất đạt cao hơn so cùng kỳ gồm: sản phẩm may 24,4 triệu cái, tăng 10,7%; sắt, thép các loại 360,8 nghìn tấn, tăng 6,5%; tai nghe khác 14,5 triệu cái, tăng 4%; điện thương phẩm 1,35 tỷ Kwh, tăng 9,5%; nước máy thương phẩm 8,62 triệu m3, tăng 33,9%...
Cùng với đó, các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất đạt cao so với cùng kỳ là: Công ty TNHH Glonics Việt Nam; Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; Công ty CP Đầu tư và Thương mại
TNG; Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Học, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ và đầu tư cải tạo hệ thống cấp nước trên địa bàn nên Công ty đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh quý I. Sản lượng nước thương phẩm đạt 3,8 triệu m3, tăng 8% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 48,4 tỷ đồng, bằng 25,7% kế hoạch năm 2023, tăng 30% so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên ước sản xuất và tiêu thụ gần 205.000 tấn thép cán.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng sản xuất ước tính trong quý I giảm so với cùng kỳ là: xi măng 624,9 nghìn tấn, giảm 8% so với cùng kỳ; vonfram và các sản phẩm của vonfram 5,4 nghìn tấn, giảm 20,9%; điện thoại thông minh và máy tính bảng 26 triệu cái, giảm 1,9%... Một số nhóm sản phẩm có chỉ số tiêu thụ thấp, lượng tồn kho cao như: sản phẩm từ khoáng phi kim loại; xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học.
Theo ông Lê Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên: Ngành Xi măng đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao... Vì vậy, trong quý I, Công ty mới sản xuất và tiêu thụ được gần 147 nghìn tấn sản phẩm, bằng 19,86% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt trên 156 tỷ đồng, bằng 20,9% kế hoạch năm. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ nỡ lực đổi mới, đề ra thêm giải pháp để cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Nhận định về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị SXCN 9,5% trong năm 2023, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, phân tích: Với giá trị SXCN quý I tăng 5,5% và bằng 18,3% kế hoạch năm (tương đương 186,74 nghìn tỷ đồng), thì 9 tháng còn lại của năm, Thái Nguyên phải đạt 833,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tức là bình quân mỗi quý còn lại của năm phải đạt 277,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,8% so với quý I.
Do vậy, trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần chủ động bám sát tình hình, diễn biến thực tế để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao chất lượng quản trị; huy động và tận dụng tốt các nguồn lực, chính sách ưu đãi để phát triển; chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp SXCN tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, theo ông Phan Hữu Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay là nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần Chính phủ và các ngành chức năng có chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đối với ngành Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, thủ tục, thời gian; từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, phí xuất khẩu và kích cầu tiêu thụ trong nước... Đây chính là động lực quan trọng để tạo “đòn bẩy” nhằm duy trì đà tăng trưởng giá trị SXCN từ nay đến cuối năm.