Những con số chỉ ra bất động sản bán lẻ vẫn đang trên đà tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, làn sóng tháo chạy của các thương hiệu từ lớn đến nhỏ thời gian qua cho thấy đang có một cuộc đua tranh khốc liệt trong ngành, và những đơn vị chậm thay đổi sẽ “chết”.
Sự kiện nóng nhất trong lĩnh vực bán lẻ những ngày đầu tháng 5 có lẽ là việc Parkson tuyên bố rút khỏi Việt Nam sau gần 2 thập kỷ vì thua lỗ nặng. Parkson Retail Asia (PRA) cho biết chi nhánh Parkson Vietnam Co Ltd đã nộp đơn lên tòa án, bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện.
Chậm thay đổi sẽ… “chết”
Thực tế, theo dữ liệu khảo sát của Vnbusiness, những khó khăn của Parkson không chỉ xuất hiện từ khi Covid-19 bùng phát, mà đã manh nha từ nhiều năm trước. Năm 2018, số lượng trung tâm thương mại của Parkson giảm từ 10 xuống 6 địa điểm.
Với lợi thế tiến vào thị trường Việt Nam sớm, Parkson từng là lựa chọn hàng đầu. Nhưng vì chậm thay đổi, thương hiệu này nhanh chóng hụt hơi với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Vincom, Cresent Mall, hay AEON Mall…
Một ví dụ điển hình cho sự “cũ kỹ” của Parkson là khi Vincom Center mở trung tâm ngay kế bên, trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM. Chỉ 1 năm sau, không gian mở của Vincom, với đa dạng từ mua sắm đến vui chơi, giải trí… đã hút gần hết khách của Parkson chỉ đơn thuần phục vụ mua sắm.
Cuộc "tháo chạy" của Parkson cho thấy sức ép cạnh tranh thị phần mặt bằng bán lẻ đang rất lớn.
“Vết xe đổ” của Parkson chính là minh chứng cho thấy con “sóng ngầm” cạnh tranh trên thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam đang khốc liệt như thế nào. Ở đó, các doanh nghiệp chậm thay đổi, kém linh hoạt sẽ phải rời "cuộc chơi".
Trước đó, việc các nhà bán lẻ đồng loạt rời khỏi tòa nhà Bitexco cũng từng gây xôn xao dư luận. Dù ở thế chủ động hay bị động, sự kiện này cho thấy sức ép cạnh tranh đang buộc các thương hiệu hàng đầu cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách thuê, tăng trải nghiệm của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, không chỉ các đại gia sở hữu trung tâm thương mại lớn, nhiều chủ mặt bằng đơn lẻ cũng đang gặp không ít khó khăn. Trong một bài viết hồi tháng 3/2023, Vnbusiness cũng chỉ ra thực trạng hàng loạt thương hiệu đang tháo chạy khỏi mặt bằng đắc địa, giá quá đắt đỏ tại khu vực trung tâm.
Theo chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, những khó khăn về tài chính, sức mua giảm, khiến nhiều thương hiệu bán lẻ không còn bất chấp tiền bạc để đua mở rộng chuỗi cửa hàng, thay vào đó là tập trung cho chất lượng, khả năng sinh lời.
Điển hình như trường hợp của thương hiệu Starbucks Việt Nam, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc, từng khẳng định đơn vị này vẫn duy trì kế hoạch mở rộng mặt bằng tại Việt Nam nhưng chỉ khi giá thuê chấp nhận được thì mới ký, không bất chấp để có những vị trí đẹp.
Đối diện "khủng hoảng thừa"
Bà Trang Đỗ, Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers (Việt Nam), nhìn nhận miếng bánh thị phần ngày càng hấp dẫn nhưng cũng khốc liệt hơn khi hàng loạt thương hiệu đến từ Nga, Mỹ, châu Âu đang tăng sự hiện diện trên thị trường bán lẻ Việt Nam, với tiềm lực tài chính không kém cạnh gì các "tay chơi" đang hiện diện.
Thời gian tới, nguồn cung dự kiến tiếp tục tăng. Theo báo cáo của Savills, nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng 1% theo quý và theo năm.
Trong đó, việc khai trương tòa nhà Cobi Tower và 4 tầng còn lại của Thiso Mall Sala (TP Thủ Đức) đã đóng góp chính vào nguồn cung của quý I. Tuy nhiên, một loạt dự án đang trì hoãn thời gian khai trương như Vincom Megamall Grand Park (TP Thủ Đức) và Central Premium Plaza (quận 8)… đang sẵn sàng đưa hàng vào thị trường.
Tại Hà Nội, theo Colliers, nguồn cung mới của trung tâm thương mại cũng sẽ tiếp tục được cải thiện, đến từ các doanh nghiệp ngoại lớn. Điển hình như dự án Aeon Mall Hoàng Mai - Giáp Bát vừa được phê duyệt với diện tích lên đến 8 ha. Từ nay đến năm 2025, Aeon sẽ có thêm từ 3 - 4 dự án mới tại Hà Nội.
Trong bối cảnh nguồn cung liên tục được cải thiện, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ đang rơi vào thế khó do “sức khỏe” chung của nền kinh tế, thì việc sức ép cạnh tranh trên thị trường cung cấp mặt bằng kinh doanh gia tăng là điều tất yếu.
Cần phải nói thêm, mặt bằng bán lẻ vẫn đang là một trong những phân khúc tăng trưởng ổn định, có tiềm năng để đầu tư. Theo Colliers Việt Nam, trong quý I, bất động sản bán lẻ tại TP.HCM vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên tới hơn 90%.
Giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm cũng tiếp tục tăng ở mức 151 USD/m2/tháng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực ngoài trung tâm có giá thuê dao động khoảng 35 USD/m2/tháng, tăng 2,9%.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều đơn vị đua tranh “miếng bánh” thị phần, các doanh nghiệp cả cũ lẫn mới cần có chiến lược phát triển tốt để có phần “ngon” hơn.
Tóm lại, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trên đà bứt phá, nhưng khách hàng ngày càng đòi hỏi dịch vụ tốt hơn. Theo đó, để giành lợi thế trong một cuộc đua đầy khốc liệt, các thương hiệu cần một cuộc “cách mạng” về cả không gian mua sắm lẫn dịch vụ hậu mãi nhằm thuyết phục đa số khách hàng.