Xung đột đã khiến tăng trưởng Ukraine sụt giảm trong năm 2022, song nền kinh tế nước này đã phục hồi ở một mức độ nào đó trong năm nay nhờ sự phối hợp giữa ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính và các nước tài trợ. "Phép màu" nào đã giúp cho tình hình kinh tế ở Ukraine ổn định trong thời gian gần đây?
Vào năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine đã giảm khoảng 30% do xung đột bùng phát. Tuy nhiên, hiện nay, đà giảm dường như đã dừng lại. Các tổ chức tài chính như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng trung ương Ukraine (NBU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế Ukraine sẽ không còn suy giảm mạnh trong năm 2023 mà sẽ đình trệ.
Thực tế là các quốc gia có xung đột diễn ra trên lãnh thổ của mình sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn. Doanh thu của Chính phủ Ukraine đang bị thu hẹp vì các hoạt động kinh tế đang đi vào bế tắc. Chi tiêu đang tăng vọt, đặc biệt là cho quốc phòng. Trong quý 1/2023, Ukraine đã chi 403 tỷ hryvnia (10,8 tỷ USD) cho Quốc phòng - gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2022, chiếm 57% chi tiêu của Chính phủ. Kết quả là thâm hụt ngân sách của đất nước tăng lên một cách đáng lo ngại. Bên cạnh đó, Ukraine cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: không còn có thể vay nước ngoài, và thị trường vốn trong nước kém phát triển. NBU đã phải nỗ lực xoay sở. Năm 2022, NBU đã tạm thời trang trải tới một nửa số thâm hụt ngân sách hàng tháng bằng cách mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, loại tài chính tiền tệ nhà nước này ẩn chứa những rủi ro lớn vì làm gia tăng lạm phát. Năm nay, ngân hàng trung ương không còn đóng vai trò là “người cho vay cuối cùng” đối với nhà nước. Có những nhân tố khác giúp cải thiện tình hình ở Ukraine về mặt này.
Các nước phương Tây và IMF đã hợp tác để cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine. Tháng 4/2023, Ukraine đã nhận được các khoản viện trợ tài chính trị giá 5,6 tỷ USD, mức kỷ lục kể từ tháng 2/2022. Trong năm 2023, EU cam kết viện trợ khoảng 19,5 tỷ USD cho Ukraine, Mỹ muốn đóng góp 11 tỷ USD, các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế như IMF cũng đóng góp các quỹ bổ sung. Nhờ viện trợ tài chính quốc tế, Ukraine hiện có dự trữ cao đáng kinh ngạc là 36 tỷ USD. Cho đến nay, chính sách tiền tệ của NBU đã hoạt động. Lạm phát gần đây đã giảm từ 25% xuống 21,3%. Tuy nhiên, giá năng lượng và lương thực giảm cũng góp phần vào việc giảm này.
Chuyên gia Robert Kirchner từ Nhóm Kinh tế Đức, cố vấn cho Chính phủ Ukraine thay mặt cho Bộ Kinh tế Đức cảnh báo chính sách tiền tệ chặt chẽ cũng có mặt trái của nó: Lãi suất cao là gánh nặng đối với các công ty vốn cũng đang phải vật lộn với vấn đề cung và cầu sụt giảm.
Về mặt kinh tế, hai tuần tới có tầm quan trọng lớn đối với Ukraine, thời điểm sẽ quyết định liệu thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian có kéo dài đến giữa tháng 5/2023 hay không. Kể từ mùa Hè năm 2022, thỏa thuận ngũ cốc đã cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mỳ, ngô và các mặt hàng nông nghiệp khác qua Biển Đen. Đất nước này phụ thuộc vào thu nhập ngoại hối từ kinh doanh nông nghiệp, vì các mặt hàng xuất khẩu khác đã giảm mạnh. Hàng hóa nông nghiệp chiếm khoảng 69% xuất khẩu của Ukraine trong quý đầu tiên.
Chuyên gia Robert Kirchner cho biết: “IMF phân loại nợ của Ukraine là không bền vững”. Viện trợ tài chính từ các quốc gia và IMF một phần là các khoản trợ cấp, nhưng một phần cũng là các khoản vay mà Ukraine phải trả trong thời gian dài.