Ông Lương Thanh Văn, một Việt kiều trở về từ Úc, là người gầy dựng nên CTCP Thủy sản Việt Úc (viết tắt: Việt Úc) - nhà sản xuất tôm giống nuôi tham vọng trở thành tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam.
Vợ chồng Chủ tịch HĐQT Việt Úc, ông Lương Thanh Văn - bà Nguyễn Kim Thùa
Sang Úc năm 19 tuổi với "không một xu dính túi" nhưng 19 năm sau (năm 2001), khi trở lại Việt Nam để thành lập Công ty TNHH Việt Úc (tiền thân của CTCP Thủy sản Việt Úc), ông Lương Thanh Văn đã là một ông chủ lớn, người sở hữu doanh nghiệp top 3 ngành tráng rửa phim ở xứ sở chuột túi.
Bỏ lại tất cả để tập trung cho sự nghiệp ở quê nhà. Hai thập kỷ nữa qua đi, giờ thì vị doanh nhân gốc Bạc Liêu được xem là người có ảnh hưởng lớn bậc nhất ngành tôm Việt Nam.
"Vua tôm giống" - nhiều người gọi Chủ tịch Việt Úc Lương Thanh Văn như vậy, khi tập đoàn này ngày càng bồi vững vị thế nhà sản xuất tôm giống số 1 Việt Nam, với hơn 30% thị phần.
Nuôi tầm nhìn trở thành tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam, hàng đầu Châu Á về chất lượng và công nghệ bền vững, Việt Úc là tập đoàn đầu tiên khép kín chuỗi giá trị ngành tôm, bằng việc khánh thành nhà máy chế biến thủy sản tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu mới đây.
Việc đưa nhà máy có giá trị đầu tư 400 tỉ đồng này vào hoạt động giúp Việt Úc chính thức bao phủ mọi quy trình sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn cho tôm, đến tôm thành phẩm.
"Hệ sinh thái" Việt Úc
Theo giới thiệu, "hệ sinh thái" Việt Úc có tới 18 công ty thành viên, trên 2.000 cộng sự, trên 1.000 ha diện tích nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao, 3 trung tâm di truyền và chọn giống tôm bố mẹ, với tổng công suất sản xuất tôm giống đạt hơn 50 tỉ con giống/năm.
9 công ty sản xuất tôm giống của Việt Úc trải dài từ Bắc vào Nam, 4 khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính đặt tại Bạc Liêu, Bình Định, Quảng Ninh.
Việt Úc còn sở hữu 1 nhà máy chế biến thức ăn tại tỉnh Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 32,5% cổ phần (tính đến cuối năm 2022) và 1 khu sản xuất cá tra giống tại tỉnh An Giang với diện tích 104ha.
Hiệu quả của hệ sinh thái Việt Úc được cho thấy phần nào qua những con số ấn tượng của CTCP Thủy sản Việt Úc - pháp nhân lõi của tập đoàn.
Theo đó, giai đoạn 2019 – 2022, Việt Úc ghi nhận tổng doanh thu thuần lũy kế đạt 6.255 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lũy kế ở mức 1.383,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng đạt 22,1%.
Ăn nên làm ra, Việt Úc đã tích lũy được nguồn lợi nhuận khổng lồ. Kể cả khi đã sử dụng 1.240 tỉ đồng lợi nhuận tích lũy để chia cổ tức cho cổ đông thì tại ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của Việt Úc vẫn còn 1.066,1 tỉ đồng.
Cơ cấu tài sản của Việt Úc rất lành mạnh, với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) ở mức rất thấp, chỉ là 8,6%. Doanh nghiệp này không ghi nhận nợ vay ngân hàng, trái phiếu.
Giàu như "vua tôm giống" Lương Thanh Văn
Đăng ký là công ty đại chúng từ năm 2019 nhưng Việt Úc cơ bản vẫn do nhà Chủ tịch Lương Thanh Văn chi phối, với tỉ lệ sở hữu gần 64% cổ phần, theo những công bố tính đến cuối năm ngoái.
Trong đó, ông Lương Thanh Văn trực tiếp nắm giữ 18 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,4%. Bà Nguyễn Kim Thùa – vợ ông Văn – nắm giữ 52,4 triệu cổ phiếu (39%). Viet Uc Hong King Limited, pháp nhân do ông Văn làm chủ, nắm giữ 15,3 triệu cổ phiếu (11,39%).
Lượng cổ phần còn lại chủ yếu nằm trong tay các quỹ đầu tư nước ngoài, gồm: Lotus Asia Investments Limited (7,59%), STIC Pan-Asia 4th Industry Growth Private Equity Fund (4,85%), STIC Private Equity Fund III L.P (4,15%), Daiwa-Ssiam Vietnam Growth Fund III L.P (1,13%), STIC Shariah Private Equity Fund III L.P (0,71%), Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (0,54%) và các nhân viên (17,24%).
Tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Lương Thanh Văn tại Việt Úc trước đó còn lớn hơn nhiều nữa. Như tiết lộ tại một báo cáo vào tháng 3/2021, là khoảng 80,5%.
Nhắc lại một sự kiện cũ: Tháng 7/2018, Việt Úc phát hành riêng lẻ 1 triệu cổ phiếu, tương đương 9,8% cổ phần khi đó, với giá 764.843 đồng cho nhóm nhà đầu tư STIC (Hàn Quốc). Thương vụ xác lập mức định giá cho Việt Úc thời điểm ấy vào khoảng 7.400 tỷ đồng, vượt cả Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) - doanh nghiệp vẫn được xem như ông trùm thủy sản số 1 Việt Nam, nổi tiếng với danh xưng "vua tôm".
Mà từ đó đến nay, Việt Úc còn đã đi thêm được cả một chặng dài. Khối tài sản của vợ chồng ông Lương Thanh Văn hẳn còn phình thêm nữa. Không bất ngờ nếu Việt Úc thực hiện niêm yết, vợ chồng đại cự phú Lương Thanh Văn xuất hiện trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trước khi thực hiện đợt tăng vốn gấp 13 lần thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hồi tháng 3/2022, Việt Úc đã ghi nhận ít nhất 2 đợt chia cổ tức bằng tiền vào năm 2019 và 2020, với tổng giá trị cổ tức được trả 150 tỉ đồng. Dòng tiền tươi này, dĩ nhiên, sẽ chảy phần lớn về nhà ông Lương Thanh Văn.
Tích lũy nguồn lực lớn từ sản xuất và kinh doanh tôm, nhà chủ Việt Úc cũng lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác.
Dữ liệu tra cứu cho thấy, bà Nguyễn Kim Thùa - phu nhân Chủ tịch Việt Úc Lương Thanh Văn - hiện đang đứng tên đại diện tại loạt pháp nhân như: CTCP Bất động sản Việt Úc, Công ty TNHH Việt Úc – Tân Phước, Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Úc – Thuận Nam, Công ty TNHH Việt Úc Phú Quý, Công ty TNHH MTV Yến sào Việt Úc Hộ Phòng, CTCP Việt Úc – Côn Đảo, Công ty TNHH Việt Úc – Long An, Công ty TNHH Nông nghiệp Việt Úc – Châu Thành, Công ty TNHH Việt Úc – Trà Vinh, Công ty TNHH MTV Bưởi da xanh Việt Úc – Cần Thơ, Công ty TNHH Việt Úc – Đồng Tháp, CTCP Việt Úc Kiên Giang./.