Klaus Müller, chủ tịch Cơ quan Quản lý Năng lượng của Đức, chia sẻ với hãng truyền thông Funke hôm thứ Tư (7/6) rằng cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc.
Mặc dù thực tế mức khí đốt tự nhiên (LNG) trong kho dự trữ đã thoải mái hơn so với hai năm trước, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ còn kéo dài dai dẳng, trong đó thời tiết sẽ là yếu tố tiên quyết.
Tính đến ngày 6/6, các bể chứa LNG ở Đức đã đầy 76%, trong khi ở EU, mức tổng thể chỉ hơn 70%, theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu.
Khủng hoảng năng lượng vẫn chưa buông tha châu Âu. Ảnh: Oilprice.
“Nếu mọi thứ suôn sẻ, chúng tôi sẽ có đầy đủ các cơ sở lưu trữ vào cuối mùa hè”, ông Müller nói, đề cập đến mức lưu trữ của Đức.
Trong báo cáo hàng tuần mới nhất, Cơ quan quản lý nhấn mạnh “để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông tới, cả nước phải có mức dự trữ là 75% trước ngày 1/9”.
Nếu tình hình ổn định, Đức có thể ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt như đã xảy ra vào mùa đông năm ngoái. Đồng thời, chuẩn bị cho mùa đông 2023/2024 là một thách thức quan trọng. Do đó, tiết kiệm năng lượng vẫn là quốc sách, cơ quan quản lý nói thêm.
Trong tuần bắt đầu từ ngày 22/5, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã thấp hơn 23,2% so với mức tiêu thụ trung bình trong giai đoạn 2018-2021 và giảm 9% so với tuần trước đó.
Tháng trước, một trong những công ty tiện ích hàng đầu của Đức, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa kết thúc và tình hình cung cấp năng lượng ở châu Âu có thể xấu đi vào cuối năm nay.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, sản lượng LNG toàn cầu vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 23 tỷ m3. Điều đó có nghĩa là châu Âu sẽ cần phải thâu tóm gần một nửa mức tăng tổng thể này.
Và vì châu lục này sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nền kinh tế châu Á đang phục hồi – nhất là Trung Quốc – nên nhu cầu về LNG có thể sẽ đẩy giá TTF lên cao hơn mức hiện tại, có khả năng khiến mức sàn lên tới 80 euro/MWh.