Theo nhiều nguồn tin nội bộ, Shell (Vương Quốc Anh) sẽ giữ mức sản lượng dầu hoặc nâng lên một chút cho đến năm 2030, để Giám đốc điều hành Wael Sawan lấy lại được niềm tin của giới đầu tư trong bối cảnh gã khổng lồ năng lượng này thu về lợi nhuận yếu từ năng lượng tái tạo vào thời điểm bùng nổ doanh thu dầu khí.
Giám đốc điều hành Shell, ông Sawan
Theo 3 nguồn tin, vào tuần tới, CEO của Shell, ông Sawan sẽ có thông báo về quyết định trên tại một sự kiện của nhà đầu tư. Theo đó, Shell sẽ từ bỏ mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu 1-2% mỗi năm, với lý do đã đạt được phần lớn mục tiêu giảm sản lượng, chủ yếu qua hoạt động bán những tài sản dầu đá phiến ở Mỹ.
Từ khi nắm quyền điều hành công ty vào tháng 1/2022, ông Sawan đã tìm cách cứu vãn giá của cổ phiếu bằng lời hứa sẽ cải thiện hoạt động của Shell. Ông cho biết, dầu khí sẽ tiếp tục làm trọng tâm hoạt động của Shell trong nhiều năm tới, đồng thời nhấn mạnh rằng nỗ lực chuyển hướng sang những hoạt động ít carbon sẽ không gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Lối tiếp cận đầy thận trọng của ông đối với hoạt động chuyển dịch năng lượng đã tạo ra sự khác biệt giữa ông và người tiền nhiệm Ben van Beurden - người đã đưa ra nhiều mục tiêu giảm thiểu CO2 và chiến lược chuyển dịch năng lượng.
Trong những tháng gần đây, do dự báo lợi nhuận thấp, Shell đã từ bỏ một vài dự án, bao gồm năng lượng gió ngoài khơi, hydrogen và nhiên liệu sinh học. Tập đoàn này cũng rút hoạt động khỏi ngành bán lẻ điện ở châu Âu. Vài năm trước, ngành phân phối và bán lẻ điện từng được xem là yếu tố chính trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Shell. Cũng vào thời gian đó, cụ thể là năm 2022, Shell công bố thu về lợi nhuận kỷ lục là 40 tỷ USD nhờ bối cảnh bùng nổ giá dầu và khí đốt. Shell từ chối bình luận.
Ông Sawan, 48 tuổi, quốc tịch Canada-Lebanon, từng là người lãnh đạo những bộ phận dầu mỏ, khí đốt và năng lượng tái tạo của Shell. Tại sự kiện ngày 14/6 ở New York, ông sẽ trình bày chi tiết về tầm nhìn của mình, bao gồm cả những cập nhật về phân bổ vốn, những khoản thanh toán cho cổ đông và “những lựa chọn chiến lược sắp tới”.
Vào năm 2021, ông Sawan công bố mục tiêu là cắt giảm 20% sản lượng dầu vào cuối thập kỷ này. Nhưng mục tiêu này đang bị điều chỉnh.
Shell đã sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý đầu tiên của năm 2023, giảm 20% so với sản lượng năm 2019 (1,9 triệu thùng/ngày).
Những nguồn tin cho biết, dự kiến sản lượng hiện nay sẽ được duy trì ổn định trên diện rộng và có thể tăng nhẹ vào cuối thập kỷ này, tùy thuộc vào việc liệu những dự án mới có đạt được điểm hòa vốn nội bộ hay không, cũng như sự thành công của những hoạt động thăm dò, đặc biệt là ở Namibia.
Theo nhiều suy đoán, ông Sawan sẵn sàng làm chậm kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính và chuyển sang năng lượng tái tạo của Shell. Điều này đã làm nhiều nhà đầu tư ủng hộ hoạt động vì khí hậu tức giận.
Tuy nhiên, ông Sawan sẽ kiên quyết giữ mục tiêu “đưa Shell trở thành công ty không phát thải ròng vào giữa thế kỷ”, như một phần của chiến lược chuyển dịch năng lượng “Powering Progress” được công bố vào năm 2021. Ông mô tả đây là “chiến lược luôn luôn đúng đắn”.
Quyết định không cắt giảm thêm sản lượng dầu của Shell có sự tương đồng như quyết định của đối thủ BP vào đầu năm nay. Lúc đó, giám đốc điều hành Bernard Looney đã rút lại kế hoạch cắt giảm 40% sản lượng dầu và khí đốt vào cuối thập kỷ này.
Theo nhiều công ty và nhà phân tích, lợi nhuận thu được từ dầu khí thường nằm trong khoảng 10% - 20%, trong khi lợi nhuận từ những dự án năng lượng mặt trời và gió thì chỉ nằm trong khoảng 5% - 8%.
Tại cuộc họp thường niên của Shell ở London vào tháng trước, ông Sawan nói với phía nhà đầu tư: “Đầu tư đáng kể vào dầu khí là điều cần thiết để duy trì sản xuất ổn định, đấy là chưa nói đến việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng”.
Trong số 25 tỷ USD mà Shell phân bổ cho năm 2022, hai phần ba trong số đó đi vào dầu khí. Trong khi đó, công ty chỉ đầu tư 4,3 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hydrogen và sạc xe điện.
Khoảng cách
Một trong những mối quan tâm chính của ông Sawan là cổ phiếu của Shell lao dốc rõ rệt từ cuối năm 2021 so với của những đối thủ khác từ Mỹ - Exxon Mobil và Chevron. Cả hai gã khổng lồ này đều có kế hoạch nâng sản lượng nhiên liệu hóa thạch.
Để thu hẹp khoảng cách này, ông Sawan đã tập trung vào hiệu suất và năng suất.
Ông nói với cánh phóng viên vào tháng trước: “Hướng đi không thay đổi, vấn đề quan trọng hơn là cách chúng tôi thực hiện để đạt được điều đó, và quan trọng hơn là cách chúng tôi duy trì tính cạnh tranh vì chúng tôi kém hơn các đồng nghiệp của mình. Những gì chúng ta cần làm, là trở nên vượt trội trong khai thác dầu khí và tạo ra những giải pháp có carbon thấp”.
Giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ những hướng đi mới liên quan đến kế hoạch chi trả cho cổ đông của Shell. Một số nhà phân tích dự đoán mức tăng cổ tức đáng kể.
Nhà phân tích Lucas Herrmann của Exane BNP Paribas cho biết: “Shell cần phải thay đổi. Ngay cả trong việc chi trả cho những cổ đông và tỷ lệ chi trả cổ tức, họ cũng không còn cạnh tranh lại những công ty cùng ngành”.
Ông Herrmann kỳ vọng Shell sẽ tăng cổ tức thêm khoảng 20% và tổng chi trả sẽ tăng lên thành 35% hoặc 40% từ những hoạt động kinh doanh, thay vì 20% - 30% hiện tại.
Ví dụ, BP đặt mục tiêu trả lại 60% lượng tiền dư thừa cho những cổ đông thông qua hoạt động trả cổ tức và mua lại cổ phiếu trong năm nay.