Mặc dù đêm qua FED đã giữ nguyên lãi suất đúng như thị trường kỳ vọng, nhưng ngay chứng khoán Mỹ cũng không tăng được rõ ràng, thị trường tương lai sáng nay đồng loạt đỏ. Trong nước phiên đáo hạn phái sinh càng khiến nhà đầu tư có lý do để thận trọng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sụt giảm tới 31% so với sáng hôm qua trong khi độ rộng của VN-Index cho thấy số mã giảm nhiều gấp 2,5 lần số tăng...
Nhóm blue-chips sáng nay cũng giảm là chủ đạo, nhưng biên độ vẫn rất nhẹ.
Mặc dù đêm qua FED đã giữ nguyên lãi suất đúng như thị trường kỳ vọng, nhưng ngay chứng khoán Mỹ cũng không tăng được rõ ràng, thị trường tương lai sáng nay đồng loạt đỏ. Trong nước phiên đáo hạn phái sinh càng khiến nhà đầu tư có lý do để thận trọng. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sụt giảm tới 31% so với sáng hôm qua trong khi độ rộng của VN-Index cho thấy số mã giảm nhiều gấp 2,5 lần số tăng.
Xét theo nhóm ngành, dầu khí đang tăng khá nổi bật bất chấp giá dầu thế giới tụt mạnh. Tiếc là nhóm này chỉ duy nhất GAS có khả năng nâng đỡ chỉ số. Mã này đang tăng 2,33%, đỡ cho VN-Index khoảng 1,1 điểm. Ngoài ra dầu khí còn có PLX tăng 1,31%, PVD tăng 0,85%, PVS tăng 2,3%, PVC tăng 1,15%, PVG tăng 9,68%, PCG tăng 4,84%, PGC tăng 2,22%, PGD tăng 2,79%, PGS tăng 4,09%...
Nhóm blue-chips VN30 sáng nay cũng suy yếu khá nhanh. Lúc 10h35 chỉ số VN30-Index đạt đỉnh tăng 0,24% và cuối phiên giảm 0,14% với 9 mã tăng/17 mã giảm. Điểm tích cực là không mã nào trong rổ này giảm quá 1%, sâu nhất là VCB đang giảm 0,88% và cũng là cổ phiếu lớn tác động xấu nhất, khiến VN-Index mất 1,1 điểm. Do sự bù trừ giữa GAS và VCB, nên các tác động khác gần như không đáng kể. VHM, VIC, CTG, HPG, SSI, PLX, BVH trong nhóm VN30 cũng tăng, nhưng lực kéo không đủ bù vào nhóm giảm.
Độ rộng quá hẹp trên toàn thị trường là bằng chứng rõ nhất cho thấy xu hướng tụt giá lan tràn diện rộng. Thời điểm duy nhất độ rộng của VN-Index tương đối cân bằng là lúc 10h42 với 148 mã tăng/189 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên chỉ còn 103 mã tăng/261 mã giảm, với 100 cổ phiếu rơi quá 1% giá trị.
Vn-Index trượt dốc dần sáng nay.
Đà trượt giá xuất hiện ở diện rộng một phần vì lực cầu quá kém, trong khi luôn có nhu cầu chốt lời thường trực. Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt 5.451 tỷ đồng, giảm 31% so với sáng hôm qua và ở mức thấp nhất 14 phiên sáng gần đây. HoSE giảm giao dịch gần 31%, đạt 4.902 tỷ đồng, VN30 giảm tới 39% thanh khoản, còn hơn 1.732 tỷ đồng.
Với trạng thái giảm giá nhiều, thanh khoản thấp, rõ ràng là bên mua đã rút lui, khiến người bán hạ giá dần xuống. Xu hướng giá phổ biến sáng nay là trượt dốc và hạ độ cao liên tục tới hết giờ. Rất nhiều cổ phiếu đang chốt bằng hoặc sát mức thấp nhất ngày. Dĩ nhiên với mức thanh khoản giảm mạnh, điều tốt là bên bán cũng không xả quá nhiều. Vấn đề lúc này là câu, rõ ràng người mua đang hết sức thận trọng.
Thanh khoản của nhóm giảm quá 1% trên HoSE sáng nay chỉ chiếm 14,8% tổng giá trị khớp lệnh sàn này, tức là khá nhỏ. Giao dịch lớn nhất là SHB với gần 122 tỷ đồng, giá giảm 1,59%; DXG với 64,2 tỷ giá giảm 1,04%; BCG với 49,2 tỷ giá giảm 1,81%; DGW với 48,5 tỷ giá giảm 1%; DPM với 47,4 tỷ giá giảm 1,06%, DCM với 40,4 tỷ giá giảm 1,19%.
Dòng tiền tổng thể đã suy yếu nên chỉ có thể tụ lại ở số ít cổ phiếu để duy trì lực đỡ. HoSE đang có 11 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng và 4 mã trong số này giảm, 6 mã tăng. Đáng kể nhất là VND đang tăng 1,34%, giao dịch nhiều nhất thị trường với 274,3 tỷ đồng; DBC tăng 3,42% giao dịch 101,9 tỷ đồng. Một số mã khác cũng đang tăng hơn 1% với thanh khoản tốt như VSC, IJC, VGC, NLG, FRT, PAN.
Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh và cuối tuần này có đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF ngoại. Thông thường thị trường sẽ thận trọng trong những thời điểm như vậy. Mức trượt giảm giá sáng nay không phải là mạnh, nhất là khi các blue-chips vẫn giảm nhẹ, chưa gây sức ép lớn lên các chỉ số. Mặt khác, thanh khoản trong nhóm giảm giá không lớn, tức là bên bán cũng kiềm chế.
Khối ngoại sáng nay vẫn đang mua ròng nhỏ, khoảng 91,3 tỷ đồng trên HoSE. Mức giải ngân đạt 402,9 tỷ đồng, thấp hơn sáng hôm qua 21%. Tuy nhiên thông thường khối ngoại đến phiên chiều mới mua mạnh, nên kỳ vọng thanh khoản sẽ cải thiện khi khối này hoạt động chính. Hiện VNM đang bị bán ròng lớn nhất với -50 tỷ, CTG -37,7 tỷ, DPM -18,2 tỷ. Phía mua ròng có EIB +42,3 tỷ, VND +34,7 tỷ, HPG +23,1 tỷ, SSI +21,8 tỷ, VHM +21,5 tỷ.
Kim Phong