Mặc dù tâm lý thị trường khá hưng phấn, nhưng cũng có nhiều quan điểm thận trọng trước đà tăng có phần “hơi vội” của chỉ số.
Tâm lý thị trường tích cực giúp thị trường chứng khoán có chuỗi tăng tích cực. VN-Index ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp bật mạnh cuối phiên để cán mốc 1.122 điểm - mức điểm cao nhất kể từ tháng 9/2022. Đồng thuận với giá, thanh khoản thị trường cũng cải thiện 14% so với phiên trước đó và đạt mức trung bình 10 phiên.
Mặc dù tâm lý thị trường khá hưng phấn, nhưng cũng có nhiều quan điểm thận trọng trước đà tăng có phần “hơi vội” của chỉ số. Vậy xu hướng thị trường được dự báo ra sao sau khi vượt đỉnh đạt được hồi đầu năm? Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra vài bình luận về vấn đề này.
Theo vị chuyên gia, những phiên gần đây thị trường thường biến động bất ngờ vào cuối phiên do gần kề đến thời điểm đáo hạn phái sinh và hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF. Đà tăng của thị trường không quá khó hiểu khi nhóm penny đã có phần chững lại, thay vào đó dòng tiền lại hướng đến vài cổ phiếu đơn lẻ trong nhóm bluechips đóng vai trò “lead” chỉ số.
Về xu hướng thị trường, chuyên gia Yuanta nhìn nhận VN-Index gặp ngưỡng cản 1.115 – 1.125 điểm. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu midcap, penny đã xuất hiện dấu hiệu phân phối, áp lực điều chỉnh khá lớn. Xuất phát điểm của con sóng tăng này là nhóm cổ phiếu đầu cơ và dòng tiền cũng “mắc” tại nhóm cổ phiếu này khá lớn. Do đó, khi nhóm cổ phiếu này tăng quá nóng, dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển sang những nhóm cổ phiếu lớn có sức hút tốt hơn.
“Xu hướng thị trường đang có phần chững lại và rủi ro tăng cao lên. Do đó, nhà đầu tư không nên nhìn chỉ số vượt đỉnh ngắn hạn mà lạc quan thái quá. Tôi cho rằng thị trường sẽ có đoạn phân phối ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trước khi dòng tiền cơ cấu lại sang nhóm cổ phiếu lớn để dẫn dắt chỉ số tiến đến vùng điểm mới. Trong tháng 6, tôi cho rằng VN-Index vẫn có khả năng hướng về ngưỡng 1.135 điểm, song sẽ có nhịp điều chỉnh về vùng 1.080 -1.090 trước khi đi lên”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên lưu ý rủi ro trên thị trường đã giảm xuống đáng kể, nhưng vẫn chưa hết hoàn toàn. Động thái của Fed trong kỳ họp tới vẫn là một dấu hỏi khi chưa có gì khẳng định lạm phát sẽ về mức mục tiêu. Trong nước, nền kinh tế vẫn suy yếu, lợi nhuận sụt giảm, BĐS vẫn "đóng băng".
Với bức tranh vĩ mô còn nhiều gam màu tối, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại. Điều này khiến dòng tiền trên thị trường vẫn eo hẹp, chủ yếu là dòng tiền cũ luân chuyển qua các nhóm ngành. Bởi khi rủi ro vẫn tiềm ẩn, nhà đầu tư sẽ không mạo hiểm “all in” tài sản vào chứng khoán, trừ những nhà đầu tư đã quá quen với việc lướt sóng mạo hiểm. Còn lại, chứng khoán vẫn chưa thể hút được dòng tiền của những nhà đầu tư có khẩu vị vừa và thấp.
Với dự báo thị trường có thể điều chỉnh, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư không nên mua đuổi vào những phiên tăng điểm và chờ nhịp điều chỉnh để tham gia. Những nhóm cổ phiếu có cân nhắc tham gia khi thị trường giảm là nhóm điện, chứng khoán, dược phẩm, công nghệ và dịch vụ dầu khí.