• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 12:01:21 SA - Mở cửa
Vì sao các ngân hàng nhỏ khó giảm lãi suất?
Nguồn tin: VietnamNet | 02/06/2023 1:26:38 CH

Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, một loạt các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Chênh lệch lớn về lãi suất giữa các ngân hàng

Do Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nên khoảng cách về lãi suất giữa các ngân hàng có sự chênh lệch lớn.

Theo bảng niêm yết lãi suất huy động của một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy thấp nhất là 5,5%/năm và cao nhất là 8,05%/năm, chênh lệch 2,55 điểm phần trăm; còn lãi suất gửi online có mức thấp nhất là 6%/năm và cao nhất là 8,3%/năm, chênh lệch 2,3 điểm phần trăm.


Lãi suất huy động giữa các ngân hàng đang có sự chênh lệch lớn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Với kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất huy động thấp nhất tại quầy là  5,5%/năm và cao nhất là 8,15%/năm, chênh lệch 2,65 điểm phần trăm; còn tiền gửi gửi online có mức lãi suất thấp nhất là 6%/năm và cao nhất là 8,4%/năm, chênh lệch 2,4 điểm phần trăm.

Kỳ hạn 12 tháng thì chênh lệch có thấp hơn. Lãi suất huy động tiền gửi tại quầy có mức thấp nhất là 6,6%/năm và cao nhất là 8,25%/năm, chênh lệch 1,65 điểm phần trăm; còn lãi suất tiền gửi online thấp nhất 6,7%/năm và cao nhất 8,5%/năm, chênh lệch 1,8 điểm phần trăm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần như GPBank, NCB, SeaBank, VietA Bank, ABBank, PVComBank… đang duy trì lãi suất huy động cao nhất thị trường, trong khi các ngân hàng lớn như BIDV, ViettinBank, VietcomBank, AgriBank đang có lãi suất huy động thấp nhất thị trường.

Nhìn biểu lãi suất có thể thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng rất rõ rệt; chênh lệch lãi suất huy động là khá lớn. Những ngân hàng nhỏ, thương hiệu danh tiếng hạn chế, mạng lưới các phòng giao dịch ít, chi phí lớn, thu nợ khó khăn, nên thanh khoản vẫn có vấn đề, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim nhận định.

Trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng tìm đến để vay vốn, các ngân hàng nhỏ cũng rất khó vay được do họ không tạo ra được lòng tin với các ngân hàng lớn. Cho vay khó thu hồi, vốn vay biến thành nợ xấu, thực tế này đã xảy ra trên thị trường liên ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng nhỏ chỉ còn cách ra thị trường dân cư huy động vốn với lãi suất cao.

Trong khi đó, đa số khách hàng gửi tiết kiệm chọn ngân hàng có lãi suất cao vì có lợi hơn. Ở Việt Nam đã thành thông lệ, người dân ít gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng nhỏ vì niềm tin rằng, Nhà nước sẽ không để cho ngân hàng nào bị vỡ nợ, phá sản cả.

Vì vậy, khi một số ngân hàng hạ lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên xuống dưới 7%/năm, khách hàng không muốn gửi tiền ở đó nữa. Họ chờ đến kỳ tất toán rút hết ra để gửi ở những ngân hàng có lãi suất cao hơn. Điều này khiến cho mặt bằng lãi suất huy động khó giảm mạnh.

Hiện tượng này là quy luật tự nhiên, đã tồn tại nhiều năm nay. Khi thanh khoản eo hẹp, các ngân hàng nhỏ thường tăng lãi suất huy động để hút tiền, khiến các ngân hàng khác không thể ngồi im, phải tham gia vào “cuộc đua” tăng lãi suất.

Để ngăn chặn tình trạng trên, có thời điểm Ngân hàng Nhà nước đã phải áp dụng chính sách trần lãi suất, tức là ấn định mức lãi suất cao nhất với một số kỳ hạn tiết kiệm, không cho các ngân hàng vượt quá. Tuy nhiên, chính sách này không phát huy hiệu quả mong muốn của cơ quan quản lý bởi các ngân hàng nhỏ sẵn sàng thỏa thuận với khách hàng chi trả lãi suất bên ngoài vượt trần nếu không muốn mất thanh khoản.

Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều vướng

Vấn đề quan trọng là khi lãi suất huy động neo cao thì lãi suất cho vay cũng khó giảm mạnh. Hiện nay các ngân hàng thường tính lãi suất cho vay dựa trên chi phí vốn bình quân đầu vào cộng biên độ từ 3,5- 4%/năm coi như phí vận hành.

Với lãi suất huy động cao trên 8%/năm của các ngân hàng nhỏ thì cho vay ra ít nhất cũng phải trên 11,3 %/năm. Đây là lãi suất khá cao, so với các nước trong khu vực có thể gấp 2 lần.

Cuối tháng 4/2023, một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã bị Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đào Minh Tú "điểm tên" vì cho vay cao. Theo ông Tú, điều này đang ảnh hưởng tới nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất của toàn ngành. Khi đó, có ngân hàng đã giải thích, họ huy động vốn chủ yếu trên thị trường dân cư với kỳ hạn dài lãi suất cao, nên lãi suất đầu ra cũng phải ở mức cao để đảm bảo khả năng hoạt động và quản lý rủi ro.


Khi lãi suất cho vay sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng sẽ làm cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng bị phân hóa. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Khi lãi suất cho vay sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng sẽ làm cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng bị phân hóa.. Những doanh nghiệp nhận được khoản vay với lãi suất thấp đương nhiên sẽ có chi phí thấp và có sức cạnh tranh cao hơn, hoạt động tốt hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, sẽ có chi phí cao, làm cho khả năng cạnh tranh giảm và gia tăng rủi ro.

Điều đáng nói là các doanh nghiệp nhỏ thường khó tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ những ngân hàng lớn, phải tìm đến những ngân hàng nhỏ. Chấp nhận lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể tiếp cận vốn với những thủ tục nhẹ hơn ở những ngân hàng nhỏ. Vốn vay dài hạn của ngân hàng nhỏ thấp nhất cũng ở mức 9%/năm, nhưng chỉ được ưu đãi nửa năm đầu. Sau lại thả nổi, bị đẩy lên khoảng 11-12%/năm. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ ở dưới 10%/năm, vì vậy, vay vốn là doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ mà không vay thì mất thanh khoản.

Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay duy trì quanh mức 6-7%/năm thay vì cao chót vót như hiện nay.

Xin nêu thêm một góc nữa. Chênh lệch về lãi suất ở các tổ chức tín dụng cho thấy công cuộc tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu còn chặng đường dài, gian nan phía trước, dù có các chính sách cho việc này. Các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng yếu kém đã được “xử lý” suốt 10 năm nay mà còn dở dang.

Chỉ cần nhìn vào bảng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ nhận ra được ngân hàng nào mạnh, ngân hàng nào yếu. Nếu tính đúng, tính đủ, e rằng số các ngân hàng báo cáo lãi trong năm qua sẽ giảm đi nhiều.

Nỗi khổ của chính sách tiền tệ

Giải trình trước Quốc hội hôm qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành nhiều thời gian giải thích việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2022 và năm 2023 là khó khăn thách thức, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. 

Năm 2022 có 2 lý do rất quan trọng, phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn:

(i) Lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Trong nước, lạm phát trong năm 2022 bình quân tăng 3,15%. Chính vì vậy, việc điều hành không thể chủ quan với lạm phát;

(ii) Áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng Đô la tăng giá mạnh. Vào thời điểm tháng 9 – tháng 10/2022, áp lực mất giá của đồng Việt Nam lên đến 9-10%, nếu không có các giải pháp linh hoạt, đồng bộ thì khó có thể ổn định được mức tỷ giá chỉ mất giá 3,5% trong năm 2022. 

Bà Hồng nói: "Vào lúc đó, điều hành thị trường rất khó khăn. Nếu chúng ta để đồng Việt Nam mất giá trên 10% thì điều gì sẽ xảy ra? DN sẽ rất khó khăn, vì DN Việt Nam thâm hụt hàng năm rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài; nếu tỷ giá tăng cộng hưởng mặt bằng giá thế giới tăng cao, chi phí đầu vào sẽ tăng cao, chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao. Chưa kể, DN Việt Nam cũng vay một lượng lớn vốn nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ bằng VND sẽ tăng lên. Vấn đề này cũng ít được nhắc đến mà tập trung chủ yếu vấn đề lãi suất".

Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện tăng chậm lại của lạm phát, trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã quyết liệt, điều chỉnh 3 lần lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 0,9% bình quân so với cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, vào tháng 10 năm ngoái, diễn ra sự kiện SCB chưa từng có trong lịch sử với việc rút tiền hàng loạt, nguy cơ lan truyền trong hệ thống rất lớn.

Bà Hồng giải thích, trong bối cảnh đó, NHNN quyết định tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD vừa đảm bảo chi trả cho người dân. Các giải pháp đều hướng đến câu chuyện đó. Như vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào tháng 10.

Bà nói ở Quốc hội, sau khi thanh khoản ổn định lại, NHNN mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Với diễn biến trong sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ vừa qua cũng như Credit Suisse của Thụy Sĩ cho thấy, việc ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động NH của NHNN và Chính phủ là hết sức đúng đắn, các cấp có thẩm quyền cũng rất quan tâm. 

Trần Thủy