Nối tiếp các giải pháp tức thời cứu nguy thị trường, trong tháng 7, thanh khoản thị trường được kỳ vọng “tan băng” khi khai trương sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, với cơ chế thanh toán tức thời T+0. Về dài hạn, chính sách tài khóa và tiền tệ đang “vững tay chèo” đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp phát hành trái phiếu...
Khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với cơ chế giao dịch tức thì T+0 trong tháng 7.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ của HNX và hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ của VSD với cơ chế kết nối và đồng bộ thông tin, tài khoản nhà đầu tư đăng ký giao dịch để tăng cường quản lý, đảm bảo nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu riêng lẻ đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.
GIAO DỊCH T+0 TRÁI PHIẾU RIÊNG LẺ
Theo đó, hệ thống của hai bên hiện cơ bản hoàn thành và đang tiến hành kiểm thử với thành viên thị trường, đảm bảo sẵn sàng đi vào hoạt động theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
"Việc triển khai hoạt động đăng ký, lưu ký thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung tại VSD sẽ giúp chuẩn hóa thị trường trái phiếu riêng lẻ; đồng thời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển và ổn định của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu riêng lẻ nói riêng, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế”, Bộ Tài chính cho biết.
Về khung pháp lý, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023, hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.
Thông tin về loại hình nhà đầu tư, tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp là thông tin bắt buộc, làm căn cứ để HNX và VSD phối hợp kiểm soát, đảm bảo nhà đầu tư giao dịch trái phiếu riêng lẻ đúng đối tượng quy định trong phương án phát hành cũng như nhà đầu tư mua trong giao dịch trái phiếu riêng lẻ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
VSD đang rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét chấp thuận. Dự thảo quy chế tập trung vào việc hướng dẫn một số nội dung nghiệp vụ chi tiết liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ và công tác giám sát, xử lý vi phạm.
Theo dự thảo, trên cơ sở yêu cầu của nhà đầu tư, thành viên lưu ký đăng ký thông tin tài khoản nhà đầu tư đăng ký tham gia giao dịch trái phiếu riêng lẻ lên hệ thống của VSD.
Cũng theo Bộ Tài chính, với đặc thù trái phiếu riêng lẻ được giao dịch theo phương thức thỏa thuận với quy mô giao dịch thường khá lớn, do đó, để góp phần gia tăng tính thanh khoản cho thị trường cũng như đảm bảo tốt hơn lợi ích cho nhà đầu tư, việc thanh toán giao dịch sẽ được VSD thực hiện theo cơ chế thanh toán tức thời theo từng giao dịch, với chu kỳ thanh toán T+0.
Dự thảo quy chế đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các công tác chuẩn bị của VSD cơ bản hoàn thành, đảm bảo hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẵn sàng đi vào hoạt động.
Đánh giá sự kiện này, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng việc khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với cơ chế giao dịch tức thì T+0 sẽ giúp tăng thanh khoản trái phiếu trên thị trường và tạo dựng lại niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
CỨU NGUY TRƯỚC MẮT
Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua nhiều biến động lớn sau những vụ việc sai phạm từ Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư, khiến niềm tin sụt giảm mạnh, đặc biệt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dần đuối sức do phải xoay xở tiền trả nợ trái chủ trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, khiến giá trị phát hành mới lao dốc không phanh.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 (Nghị định 08) về sửa đổi, bổ sung một số quy định của các nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 5/2023 có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng 26,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường.
Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và hai tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu thành công.
Chia sẻ với báo giới gần đây về sự trầm lắng của thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), nhìn nhận thời gian qua, do khó khăn từ thị trường trong nước cũng như bối cảnh quốc tế, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước đây gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn.
Đặc biệt, nhiều vụ việc thời gian vừa qua được xử lý nghiêm minh gây tâm lý bất ổn trên thị trường, nhất là từ tháng 10/2022, sau vụ việc của Ngân hàng SCB, khiến các doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới để tiếp tục sản xuất kinh doanh cũng như thanh toán trái phiếu đến hạn.
Nhìn rộng hơn những vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng khó khăn không chỉ xuất phát từ nội tại của một hoặc một vài doanh nghiệp mà trên thực tế còn xuất phát từ những khó khăn chung của cả nền kinh tế.
Do đó, để khắc phục được những khó khăn này phải có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08 để sửa đổi, bổ sung một số quy định của các nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhằm giải quyết những khó khăn tạm thời và kỳ vọng khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ghi nhận, từ khi Nghị định 08 được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mới; đồng thời, doanh nghiệp có căn cứ pháp lý để tái cơ cấu, gia hạn trái phiếu hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác trong vòng 2 năm kể từ khi Nghị định 08 có hiệu lực.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 2/6, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 34,3 nghìn tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5,52 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng giá trị phát hành và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28,74 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84%.
Như vậy, theo tính toán, lượng trái phiếu phát hành gia tăng trở lại chủ yếu sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Tính riêng tháng 5 vừa qua, có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, đều của Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, lãi suất phát hành 9%/năm.
Tính đến cuối tháng 5 cũng ghi nhận 16 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu, thanh toán mua lại trước hạn và 19 doanh nghiệp công bố đã đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu trong tháng 5.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhờ có quy định mới, các doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư thành công trong gia hạn, chuyển đổi thành tài sản, trong đó có một số doanh nghiệp phát hành lớn như: Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…
Cũng trong tháng 5, các doanh nghiệp thực hiện mua lại 22,8 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022. Theo tính toán của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 7 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 195,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng rục rịch kế hoạch phát hành sắp tới như: VietinBank thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thuận Đức thông qua nghị quyết chào bán trái phiếu ra công chúng với giá trị tối đa 300 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, thanh toán lãi, gốc và các nghĩa vụ tài chính đến hạn, với lãi suất 11,2%/năm cho 4 kỳ đầu và thả nổi ở những kỳ sau.
NHỊP NHÀNG CHÍNH SÁCH GỠ KHÓ TOÀN THỊ TRƯỜNG
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận thị trường và tăng cường khả năng trả nợ, ngoài việc ban hành Nghị định số 08 nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định thanh khoản thị trường và giải quyết khó khăn về vốn cho nền kinh tế, nổi bật là các chính sách tài khoá và tiền tệ được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)
“Do khó khăn từ thị trường trong nước cũng như bối cảnh quốc tế, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước đây gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn.
Với những giải pháp triển khai đồng bộ, cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp và kỳ vọng tình hình kinh tế vĩ mô tốt hơn, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ dần dần tái cơ cấu các khoản nợ và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà đầu tư”.
Theo đó, trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng khoanh nợ để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn, giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Hay Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng nhằm tạo cầu cho thị trường trái phiếu…
Ánh Tuyết