Ngày 26/6, ngân hàng trung ương Pakistan đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 100 điểm cơ bản lên 22% tại cuộc họp khẩn cấp, chỉ một ngày sau khi nước này điều chỉnh dự thảo ngân sách khóa mới trong nỗ lực nhằm giải ngân thêm các khoản cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngân hàng trung ương Pakistan. Ảnh: pakobserver.net
Với quyết định trên, Pakistan đã nâng lãi suất tổng cộng thêm 12,25 điểm phần trăm kể từ tháng 4/2022, chủ yếu nhằm chống lạm phát. Trước đó, vào ngày 12/6 vừa qua, ngân hàng trung ương Pakistan đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất. Kể từ sau cuộc họp này, ủy ban chính sách tiền tệ Pakistan (MPC) đã ghi nhận hai diễn biến quan trọng khiến triển vọng lạm phát xấu đi.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu hàng đầu tại công ty môi giới chứng khoán Ismail Iqbal Securities, Fahad Rauf cho rằng quyết định trên dường như để đảm bảo Pakistan nhận được sự hỗ trợ của IMF bởi lãi suất cao sẽ tăng gánh nặng nợ của chính phủ và khu vực tư nhân.
Vào ngày 25/6 vừa qua, Quốc hội Pakistan đã phê duyệt dự thảo ngân sách tài khóa 2023-2024 của chính phủ. Dự thảo được sửa đổi nhằm đáp ứng các điều kiện của IMF trong nỗ lực sau cùng để thể chế tài chính này giải ngân thêm các khoản cứu trợ cho Pakistan. Quyết định sửa đổi dự thảo ngân sách được tiến hành sau khi Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif gặp Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới ở thủ đô Paris (Pháp).
Vào năm 2019, IMF đã nhất trí cấp gói Hỗ trợ Dài hạn (EFF) trị giá 6,5 tỷ USD cho Pakistan. Tuy nhiên, vào ngày 30/6 tới, gói hỗ trợ này sẽ hết hạn, IMF phải xem xét liệu có nên giải ngân cho Pakistan một phần tiền trong 2,5 tỷ USD còn lại của quỹ này trước thời điểm hết hạn hay không. Các đợt giải ngân các gói cứu trợ cho nước này đã bị đình trệ kể từ tháng 11 năm ngoái. Với dự trữ tiền tệ hầu như không đủ để trang trải cho hoạt động nhập khẩu trong vòng một tháng, Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán nghiêm trọng.