Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vừa vận hành chưa được bao lâu, người dân sống dưới chân nhà máy đã khốn khổ vì ô nhiễm bụi than, rung lắc gây vỡ cửa kính.
Khốn khổ vì ô nhiễm bụi than, rung lắc vỡ cửa kính nhà dân
Nằm cách tường rào Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (NMNĐ) chỉ vài mét, gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn Tân Tiến, xã Thái Đô, huyện Thái Thuỵ, Thái Bình) là một trong số nhiều hộ dân của thôn đang chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm bụi than, tiếng ồn do rung lắc từ khi tổ hợp nhiệt điện 2 đi vào hoạt động.
“Những ngày có gió Đông Nam, bụi than từ ngoài đê thổi vào làng mang theo bụi than cám đen sì. Lớp bụi này rất mịn, nhìn mắt thường nghĩ không có gì nhưng nếu đi chân đất, chỉ một lúc ngửa lên đã thấy bàn chân đen sì”, ông Ngọ nói rồi làm ví dụ, bỏ dép đi chân đất ra sân, rồi ngửa bàn chân đen nhẻm minh chứng.
Các hộ dân thôn Tân Tiến (xã Thái Đô, huyện Thái Thuỵ) gửi đơn kiến nghị về tình trạng ô nhiễm bụi than, rung lắc gây vỡ cửa kính từ khi Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành. Ảnh: Thái Bình.
Để tránh bụi than vào nhà, hầu hết các hộ dân thôn Tân Tiến đều phải đóng kín cửa cả ngày.
Tuy nhiên, một hệ lụy khác của ô nhiễm bụi mịn than (than nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiệt điện), đó là nó rải trên mái nhà dân. Ở xã Thái Đô, bà con vẫn giữ thói quen sinh hoạt hứng nước mưa từ mái nhà để làm nước sinh hoạt. Tuy nhiên, từ khi có hiện tượng bụi than đổ về, không nhà nào dám sử dụng nước mưa nữa…
Bà Bùi Thị Tho (69 tuổi) than phiền: “Cháu nhà tôi phải rửa mái nhà mấy lần mới dám hứng nước mưa. Nhưng, bể nước mưa để lắng mấy ngày lại phải thau rửa vì lớp bụi than lắng xuống dưới đáy, không dám sử dụng để sinh hoạt”.
Bên cạnh nỗi khổ vì ô nhiễm bụi than (dù mới chỉ là bụi than nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiệt điện), các hộ dân còn phản ánh nỗi thống khổ vì tổ máy hoạt động gây rung lắc cánh cửa, cửa kính, cửa nhà…
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ - hộ dân liền kề với Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khốn khổ vì bụi than và rung lắc cửa do tiếng ồn. Ảnh: Thái Bình.
Trỏ cánh cửa gỗ đã xỉn màu cánh gián, phần trên bọc kính theo kiểu cách ở quê, ông Ngọ than thở: “Khói bụi than đã là một nhẽ, nhưng mệt mỏi nhất là rung lắc khiến cửa nẻo phát ra tiếng động cành cạch, cành cạch cả ngày đêm, như có người đứng nghịch giật cửa hay như bị gió lay. Tiếng ồn này gây khó chịu khiến tôi mất ngủ mấy tháng nay”.
Trỏ tay miếng kính vừa vỡ vẫn còn để nguyên chưa thay, ông Ngọ bảo, “đấy, cửa đậy vào đập ra mà toác cả kính”.
Cả thôn Tân Tiến có vài ba hộ dân bị vỡ cửa kính do ảnh hưởng của rung lắc khi nhà máy hoạt động. Những lúc nhà máy không vận hành tổ máy giai đoạn 2 thì hiện tượng này chấm dứt, hoặc đỡ đi rất nhiều.
Liền kề với nhà ông Ngọ, gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, anh Hoàng Văn Vĩnh cũng chung cảnh ngộ. Chỉ ngôi nhà khang trang còn nguyên nước sơn tường, mới khánh thành được hai năm, anh Hiền than thở: “Nhà tôi đã xuất hiện các vết nứt loang lổ. Nguyên nhân như thế nào chưa biết, nhưng chất lượng công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh Vĩnh nói.
Trở lại nỗi khốn khổ vì tiếng ồn, rung lắc, bà Tho kéo tôi vào trong căn buồng, chỉ tay vào chiếc cửa sổ: “Phải chằng buộc thật chặt, rồi nhét giẻ vào điểm giữa hai cánh thì may ra mới ngủ được, chứ không nó lạch cạch cả đêm, người già chúng tôi không tài nào ngủ được, cứ chong chong thức trắng”.
Nhiệt điện Thái Bình - chủ nguồn thải gây ô nhiễm khiến người dân đang bức xúc. Ảnh: Thái Bình.
Con dâu bà Tho vừa sinh con, cả gia đình bà phải dành căn buồng bên trong của ngôi nhà mái bằng, rồi chằng buộc, gia cố các cửa… để giữ yên lặng cho cháu bé sơ sinh.
Từ tháng 12/2022, người dân thôn Tân Tiến đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi chính quyền xã Thái Đô và huyện Thái Thụy kiểm tra, xử lý bức xúc của người dân.
Kiến nghị làm “bờ tường nước” ngăn chặn bụi than
Khu vực cảng than để phục vụ tổ máy đốt than sản xuất điện được xây dựng ở khu vực giáp đê, cách thôn Tân Tiến một con đê. Theo thiết kế kỹ thuật, tàu chở than cập cảng, các cabin có gầu múc sẽ múc than từ tàu, đưa lên băng chuyền đưa vào nhà máy.
Khu vực tiếp nhận nhiên liệu than của Nhiệt điện Thái Bình 2 - nơi được cho là nguyên nhân gây ô nhiễm bụi than tại thôn Tân Tiến. Ảnh: Thái Bình.
Ngoài các phương án kỹ thuật theo thiết kế để giảm thiểu bụi than phát tán ra bên ngoài, tại khu vực cầu cảng than, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình bố trí một nhóm công nhân làm nhiệm vụ gom quét than rơi vãi trong quá trình bang chuyền than vận hành. Một nhóm lao động nữ khác có nhiệm vụ dùng vòi nước xối rửa bụi than ngay tại cầu cảng.
Ông Nguyễn Đức Cảnh (trưởng thôn Tân Tiến) cho biết, theo như phản ánh của các hộ dân trong thôn, bụi than phát tán trong không khí, bay vào nhà dân chủ yếu là bụi than trong quá trình gầu múc than từ tàu lên bang chuyền, từ băng chuyền vào nhà máy, than rơi vãi trong quá trình vận hành các công đoạn này.
Gầu múc than từ tàu lên băng chuyền...
Than rơi vãi tại cảng tiếp nhận nhiên liệu than của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Thái Bình.
“Khi gió Nam thổi từ cảng than vào làng, bụi than bị gió cuốn với tần suất mạnh hơn, dễ dàng quan sát bằng mắt thường bụi than đen nhẻm phủ khắp thôn. Anh đi tất, bỏ giày đi trên sân, ngửa bàn chân lên sẽ thấy bụi đen nhẻm dính đầy tất", ông Cảnh giải thích.
Theo trưởng thôn Tân Tiến Nguyễn Đức Cảnh, nhà máy nên thiết kế một hệ thống đường ống dẫn nước có khoét lỗ, bơm nước lên để nước chảy xuống tạo thành một “bức tường nước” tại vị trí cảng than tiếp giáp với khu dân cư. “Bức tường mưa” này sẽ ngăn chặn phần nào bụi than trong quá trình bốc dỡ phát tán theo đường không khí vào nhà dân.
“Bụi mịn than mới là lo ngại trước mắt. Người dân lo lắng, quá trình nhà máy vận hành sản xuất, bụi mịn từ các lò đốt phát tán trong không khí gây ảnh hưởng khu dân cư, về lâu dài đó mới là điều người dân lo ngại”, ông Cảnh nói.
Hằng ngày, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phải duy trì đội công nhân làm nhiệm vụ quét than bụi rơi vãi, phun nước tại cầu cảng để hạn chế bụi than phát tán vào dân cư.
Tuy nhiên, người dân cho biết vẫn không giảm được phần nào. Bụi than theo hướng gió Nam thốc thẳng về làng, ảnh hưởng đời sống người dân. Ảnh: Thái Bình.
Phó Chủ tịch UBND xã Thái Đô Tạ Đức Hà xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, người dân có đơn thư gửi tới chính quyền từ cuối năm 2022. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã cử tổ công tác xuống lấy mẫu, tiến hành quan trắc về đô rung, giám định mức độ khói bụi phát tán trong không khí… như phản ánh của bà con.
Ngày 18/1/2023, BQL Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 đã có văn bản gửi UBND xã Thái Đô về kết quả đo kiểm môi trường khi vực thôn Tân Tiến. Tại văn bản này, BQL Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của người dân về việc phát tán bụi, tiếng ồn và rung lắc trong quá trình chạy thử Nhà máy và bốc dỡ than tại cảng nhập nhiên liệu.
Dù chèn chặt nhưng cánh cửa của gia đình ông Ngọ vẫn bị rung lắc khi tổ máy hoạt động, gây tiếng ồn và va chạm vỡ cả kính. Ảnh: Thái Bình.
Sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị, BQLDA đã làm việc với Trung tâm quan trắc Tài nguyên môi trường (Sở TN-MT tỉnh Thái Bình) tiến hành đo kiểm các thông số tại các khu vực cảng nhập nhiên liệu nhà máy và một số hộ dân trong thôn.
Kết quả đo các thông số tiếng ồn, độ rung tại vị trí cảng nhập nhiên liệu; Đồn biên phòng Trà Lý, khu dân cư thôn Tân Tiến đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn.
Về kết quả đo kiểm tổng bụi lơ lửng, ngày 8/6, BQLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 đã thông báo kết quan trắc cho biết, “tổng bụi lơ lửng tại các vị trí khu dân cư đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật”.
Thế nhưng, theo người dân, hiện trạng đang diễn ra tại thôn Tân Tiến kể từ thời điểm Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành chạy thử và sau đó là đưa vào vận hành, người dân rất khổ sở vì bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn do rung lắc khi nhà máy vận hành; bụi than phát tán trong không khí vào nhà dân…
“Chúng tôi không biết như thế nào là “nằm trong quy chuẩn cho phép”, nhưng gia đình nào cũng phải đóng cửa kín mít, chèn chặt các cửa chính, cửa phụ… để ngăn không cho bụi than vào nhà và hạn chế cánh cửa rung lắc là điều ai cũng nhìn thấy, chúng tôi không vẽ ra được”, anh Nguyễn Văn Hiền, hộ dân sát Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình than phiền.
Khởi động từ năm 2011, Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 1.200 MW thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình.
Quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý, kèm theo đó là thời gian dài dự án bị chậm tiến độ và đình trệ (từ năm 2018 đến năm 2021).
Dự án hoàn thành mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1 vào ngày 23/2/2022; mốc đốt than lần đầu 16/6/2022; phát điện thương mại Tổ máy số 1 vào 30/11/2022, Tổ máy số 2 vào 31/12/2022.