Ricons gần đây đã thông tin rằng Coteccons còn một số công nợ chưa thanh toán cho doanh nghiệp này, đồng thời cho biết đang theo đuổi các biện pháp pháp lý để đòi nợ. Tuy nhiên, chuyện công nợ này không phải chỉ có một chiều.
Chuyện gì đang xảy ra giữa Coteccons và Ricons?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, công nợ giữa Ricons và Coteccons có từ trước năm 2019. Đó là giai đoạn mà Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, SOL E&C và Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ chưa được quyết toán xong.
Tương tự, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại một số dự án và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa 2 công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Như vậy, giữa Ricons và Coteccons có các khoản nợ lẫn nhau và đó là “vấn đề lịch sử để lại”. Nguyên nhân là từ sau khi thương vụ sáp nhập Ricons vào Coteccons bất thành năm 2019, Ricons đã thực hiện quá trình ly khai khỏi hệ sinh thái Coteccons. Đến năm 2020, thời điểm ông Nguyễn Bá Dương rời khỏi Coteccons, Ricons cũng tuyên bố độc lập. Cùng với sự ly khai của Ricons, các thành viên khác trong hệ sinh thái Coteccons như Newtecons, BM Window, SOL E&C, Boho cũng tách ra. Đây đều là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Nguyễn Bá Dương.
Về Coteccons, sau sự tan rã của hệ sinh thái nêu trên, công ty chỉ còn 1 công ty chịu sự chi phối là Unicons. Tuy vậy, Coteccons vẫn sở hữu 14,3% Ricons (tính đến hết quý I/2023), tương đương hơn 301 tỷ đồng. Dẫu vậy, Coteccons gần như không có ảnh hưởng đáng kể nào tới quá trình sản xuất kinh doanh của Ricons.
Trải qua giai đoạn 2020 – 2021 đầy khó khăn, Coteccosn đã phục hồi ấn tượng trong năm 2022 với doanh số tăng 60% so với năm trước, đạt hơn 14.500 tỷ đồng, đứng thứ nhất thị trường. Đáng kể, tổng tài sản của Coteccons vượt 20.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 8.000 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền đạt hơn 4.000 tỷ đồng, được xem là công ty xây dựng có nền tảng tài chính rất vững mạnh.
Cùng với Coteccons, năm 2022 cũng ghi nhận sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng tốp đầu. Theo sau Coteccons là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với doanh số năm 2022 đạt hơn 14.100 tỷ đồng và Ricons với doanh số hơn 11.300 tỷ đồng.
Ái Châu Tử