VN-Index tuy phần lớn thời gian trong phiên sáng nay vẫn xanh, nhưng trượt dốc dần và tăng rất nhẹ chưa tới 1 điểm. Bù lại, độ rộng vẫn áp đảo ở phía tăng và nhóm vốn hóa nhỏ, cổ phiếu đầu cơ vẫn tăng mạnh, thậm chí là kịch trần cả loạt...
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường tăng giảm đan xen.
VN-Index tuy phần lớn thời gian trong phiên sáng nay vẫn xanh, nhưng trượt dốc dần và tăng rất nhẹ chưa tới 1 điểm. Bù lại, độ rộng vẫn áp đảo ở phía tăng và nhóm vốn hóa nhỏ, cổ phiếu đầu cơ vẫn tăng mạnh, thậm chí là kịch trần cả loạt.
Toàn sàn HoSE cuối phiên có 205 mã tăng/164 mã giảm, thì 115 mã thuộc rổ VNSmallcap và chỉ số rổ này tăng 0,61%, trong khi VN-Index tăng 0,09%, VN30-Index giảm 0,23% và Midcap giảm 0,04%. Không chỉ vậy, trong 18 cổ phiếu đang chốt giá kịch trần thì 11 mã thuộc rổ Smallcap.
Thanh khoản vào nhóm vốn hóa nhỏ cũng có tín hiệu tăng mạnh: Sáng nay rổ này khớp 1.353,2 tỷ đồng, bằng 77% tổng khớp của cả ngày hôm qua. Hiện Smallcap cũng chiếm 15% tổng giao dịch sàn HoSE, tăng so với mức 13,1% của phiên trước. Đây cũng đang là thị phần cao nhất trong 5 phiên trở lại đây của rổ này.
Khả năng nâng đỡ chỉ số ổn định của nhóm blue-chips – dù giá không đủ mạnh để tạo đột biến – vẫn đang hỗ trợ dòng tiền nóng hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ. Thị trường vừa chứng kiến một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mới tham gia mở tài khoản trong tháng 5. Rõ ràng chứng khoán đang thu hút sự chú ý trở lại và những tuần qua, nhóm cổ phiếu đầu cơ tăng tốt nhất, là bằng chứng rõ nhất về cơ hội kiếm lời. Do đó không có gì khó hiểu khi dòng tiền mới ưu tiên đổ vào nhóm này. Kể từ đầu tuần trước, giao dịch khớp lệnh hàng ngày của rổ Smallcap đã liên tục vượt qua ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Lần gần nhất nhóm vốn hóa nhỏ đạt ngưỡng thanh khoản cao như vậy là giai đoạn tháng 8/2022.
Dĩ nhiên không phải cổ phiếu vốn hóa nhỏ nào cũng tăng sáng nay, độ rộng rổ Smallcap là 115 mã tăng/66 mã giảm. Tuy nhiên hầu hết các cổ phiếu thu hút được dòng vốn vào ở rổ này thì giá đều tốt. Trong Top 20 cổ phiếu thanh khoản nhất rổ (chiếm 60% rổ) thì chỉ có 5 mã giảm giá là LCG giảm 1,09%, HAH giảm 0,9%, FCN giảm 1,56%, KHG giảm 1,66% và DRH giảm 1,12%. Đây cũng đều là các cổ phiếu đã trả qua giai đoạn tăng trưởng bùng phát trước đó.
Nhóm tăng giá xuất sắc nhất trong nhóm ở mức kịch trần và có thanh khoản tốt có thể kể tới PSH, QCG, TCD, TIP. Ngoài ra là TTF, EVG, HAX, DLG, CMX, IDI, HHS, DAH, APH… giá tăng trên 3% và thanh khoản hàng chục tỷ đồng.
Trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn rất sung sức thì các blue-chips vẫn kém ổn định. Rổ VN30 chỉ có 8 mã tăng/19 mã giảm cuối phiên sáng, dù đầu ngày có tới 28 cổ phiếu tăng. Điều đó nghĩa là nhóm này có sự trượt giảm đáng kể. Thống kê cho thấy có 18/30 cổ phiếu trượt giảm tối thiểu 1% trở lên. Phần nhiều trong số này trượt giảm đủ mạnh để rơi qua tham chiếu, kéo VN30-Index giảm.
Vn-Index vẫn chưa tụt qua tham chiếu nhờ trụ co kéo.
Điều may mắn là ảnh hưởng của nhịp trượt giảm này chưa quá mạnh đối với VN-Index. VIC, GAS, VNM, TCB, BID, CTG, SAB, VPB… đều đỏ, nhưng mức giảm nhẹ. Trong khi đó VHM, VCB, HPG, GVR vẫn tăng. Nếu nhìn từ góc độ ổn định điểm số thì các blue-chips vẫn co kéo khá hiệu quả.
VN-Index không có lực kéo ở nhóm trụ nên vẫn đang dập dình sát đỉnh cao nhất năm 2023. Rất khó nói việc neo giữ luân phiên các trụ là để hỗ trợ hoạt động đầu cơ ở nhóm vốn hóa nhỏ, hay sẽ có một sự bùng nổ vượt đỉnh trên thực tế ở chỉ số này. Điều quan trọng hơn là thanh khoản vẫn rất ổn định ở mức cao. Sáng nay hai sàn niêm yết chỉ khớp giảm khoảng 1% so với sáng hôm qua, vẫn duy trì trên mốc 10 ngàn tỷ đồng. Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường chủ đạo là giảm giá phần nào cho thấy áp lực cung cầu đang giằng co chưa ngã ngũ.
Khối ngoại sáng nay có giao dịch thỏa thuận nội bộ khá lớn, nên tổng giao dịch rất cao. Cụ thể, phía bán đạt 1.813,3 tỷ đồng nhưng phía mua cũng là 1.624,6 tỷ đồng, tương ứng mức ròng 188,7 tỷ. Quy mô bán ròng này không đột biến. VNM bị xả nhiều nhất -113 tỷ, GEX -20,8 tỷ, STB -19,3 tỷ, CTG -17,7 tỷ, VRE -16,8 tỷ. Phía mua có VHM +36,9 tỷ, SSI +23,5 tỷ.
Kim Phong