Những cú hích từ chính sách vĩ mô của Chính phủ, cùng hàng loạt ưu đãi được chủ đầu tư tung ra đang giúp các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel ghi nhận đà tăng trở lại cả về nguồn cung và sức cầu.
Báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Xây dựng chỉ ra phân khúc bất động sản du lịch đang có sự phục hồi ấn tượng, với 8 dự án được hoàn thành, đưa ra thị trường 3.385 sản phẩm nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, tăng trên 133% so với quý IV/2022.
Thị trường dần “ấm” trở lại…
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, trong 2 quý đầu năm 2023, thị trường có thêm 2.458 căn hộ du lịch (condotel), 680 căn biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú. Chưa kể, cả nước đang có 56 dự án nghỉ dưỡng đang triển khai.
Dấu hiệu phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng xuất hiện trong báo cáo của DKRA vừa công bố. Trong quý II/2023, thị trường condotel ghi nhận 122 căn được bán ra, thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bật tăng hơn 20 lần so với quý I/2023.
Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường condotel trong quý II cũng lên tới 32%, vượt trội so với mức 3% của quý đầu năm. Đáng chú ý, phần lớn lượng giao dịch trong quý tập trung vào những dự án có pháp lý hoàn thiện, được ngân hàng bảo lãnh và vận hành bởi đơn vị quốc tế 4-5 sao.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu ấm dần lên dù khó khăn vẫn bủa vây.
Về nguồn cung, trong quý II/2023 có 3 dự án condotel mở bán, tương ứng với 378 căn, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tăng 90% so với 3 tháng đầu năm 2023. Giá bán ghi nhận đà tăng 2-4% so với quý trước.
Tương tự condotel, các phân khúc khác như biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng cũng xuất hiện những dấu hiệu hồi phục, theo báo cáo của DKRA. Đơn cử, với biệt thự biển, nếu trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 9 căn được bán ra, thì bước sang quý II con số là 50 căn.
Đà hồi phục của các phân khúc bất động sản du lịch trong thời gian qua, theo giới chuyên gia, đến từ 2 lý do chính. Thứ nhất là bởi các chính sách vĩ mô của Chính phủ. Một trong số đó là Nghị định số 10/2023 được Chính phủ ban hành vào đầu tháng 4 vừa qua trực tiếp “cởi trói” việc cấp sổ đỏ cho sản phẩm nghỉ dưỡng.
Như Vnbusiness đã đưa tin, Nghị định số 10/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật.
Để được cấp sổ đỏ thì cần không ít điều kiện, song trong bối cảnh khó khăn bủa vây, đây vẫn là tin vui với các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang sở hữu các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel và officetel. Và thực tế đã cho thấy những tác dụng rất tốt.
“Cơn bị cực” vẫn chưa dứt
Nguyên nhân thứ hai giúp bất động sản nghỉ dưỡng ấm dần lên trong thời gian qua là bởi hàng loạt chính sách khuyến mãi “siêu to khổng lồ” của chủ đầu tư. Trong bối cảnh thanh khoản “xuống đáy”, một số chủ đầu tư đưa ra chính sách chiết khấu lên đến 30 - 40% nhằm kích cầu thị trường.
Để thuyết phục khách hàng xuống tiền, xu hướng dịch chuyển từ hình thức chia sẻ lợi nhuận sang chia sẻ doanh thu tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng rộng rãi. “Hình thức chia sẻ doanh thu giúp khách hàng có thể quản lý hiệu quả, cũng như an tâm về sự minh bạch của dòng tiền”, chuyên gia của DKRA nhận định.
Đang có những dấu hiệu tích cực, với sự cải thiện cả về nguồn cung và thanh khoản, tuy nhiên, theo giới phân tích, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó có sự bứt phá trong ngắn hạn, ít nhất là đến cuối năm 2024.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực đánh giá việc được “cởi trói” về pháp lý, trong đó quan trọng nhất là cấp sổ đỏ cho các loại hình như condotel, officetel, sẽ là động lực để các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện dự án, tìm kiếm khách hàng, từ đó ổn định dòng tiền, ứng phó với những “cơn gió ngược” của thị trường.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ hồi phục, cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse biển…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.
Việc sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sẽ là cơ sở để “phá băng” cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, dòng tiền cũng là “bài toán” nan giải của doanh nghiệp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland, từng cho biết công ty này đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển condotel do vướng mắc về tín dụng với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.
"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét có phương án cho vay với condotel và các loại hình nhà ở thương mại nói chung", bà Nam nói trong một hội nghị tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản với Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm 2023.
Rõ ràng, việc được “cởi trói” về quy định cấp sổ đỏ cùng các chính sách kích cầu của doanh nghiệp đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để gỡ khó hoàn toàn, giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trở lại thời hoàng kim, theo chuyên gia sẽ cần những giải pháp đồng bộ hơn, cả về pháp lý, vốn tín dụng, lẫn các quy định về mua bán…
Hưng Nguyên