Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than đá chiếm 75,4% sản lượng điện của Ấn Độ - đất nước 1,4 tỷ dân.
Một nhà máy điện than ở Ấn Độ
Than là "vua năng lượng" của Ấn Độ
Tại Ấn Độ, hệ thống năng lượng “phần lớn dựa vào việc sử dụng than đá trong sản xuất điện năng, sử dụng dầu mỏ trong vận tải giao thông và trong công nghiệp, và sử dụng sinh khối để sưởi ấm và nấu nướng tại khu vực dân cư”, trích dẫn tổng kết của IEA. Cho đến nay, than vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng của Ấn Độ: Nhiên liệu này vẫn chiếm hơn một nửa mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp (55,9% vào năm 2018) và chiếm gần 3/4 cơ cấu sản lượng điện của đất nước.
Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc và là nước lọc dầu lớn thứ 4 trên toàn thế giới. IEA ước tính, tiêu thụ dầu có thể “tăng nhanh hơn ở Ấn Độ so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác”. Đồng thời, cơ quan này kêu gọi chính phủ lấy cải thiện an ninh năng lượng làm ưu tiên hàng đầu tại quốc gia này. Với trữ lượng dầu hạn chế, Ấn Độ lệ thuộc hơn 80% vào hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của mình. Tỷ lệ này sẽ “tăng đáng kể trong những thập kỷ tới”. Ấn Độ đã tăng đầu tư quốc tế vào các mỏ ở Trung Đông và châu Phi, tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và tăng dự trữ dầu chiến lược (40 triệu thùng vào năm 2020, tương đương với hơn 10 ngày nhập khẩu ròng).
Ấn Độ cũng đặt mục tiêu năm 2030 nâng tỷ lệ khí đốt trong cơ cấu năng lượng của quốc gia lên 15% (so với khoảng 6% năm 2020). Quốc gia này đã có 5 kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và có thể đưa vào vận hành “thêm 11 trạm nữa trong 7 năm tới”. IEA chỉ rõ: Vị trí của khí đốt trong lĩnh vực dân dụng và giao thông vận tải đã tăng lên, nhưng lại giảm trong lĩnh vực sản xuất điện, do phải cạnh tranh với than giá rẻ và năng lượng tái tạo.
Đối với năng lượng tái tạo, Ấn Độ đã đặt mục tiêu đầy tham vọng: Đạt 175 GW công suất lắp đặt năng lượng tái tạo (từng là mục tiêu cho năm 2022, nhưng tính đến tháng 2/2023, tổng công suất năng lượng tái tạo của Ấn Độ là 168,96 GW). Theo IEA, vào tháng 12/2019, tổng công suất điện tái tạo đã hòa lưới lên đến 84 GW. Cần lưu ý, lượng công suất này là thông số cần thiết để tính hệ số phụ tải, giúp xác định chính xác sản lượng điện năng cần sản xuất.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng Ấn Độ có 22 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động (và 7 lò phản ứng khác đang được xây dựng).
Liệu mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040?
Theo IEA, xét theo những chính sách hiện tại, mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ vẫn có thể "tăng gấp đôi vào năm 2040” và mức tiêu thụ điện “có thể tăng gấp 3" vào thời điểm này, nhất là trong bối cảnh nhu cầu làm mát tăng (dự kiến Ấn Độ sẽ có 1 tỷ máy điều hòa không khí vào năm 2050). Cơ quan này cũng nhắc lại trong báo cáo của mình rằng, mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người ở Ấn Độ tương đương với gần 1/3 mức bình quân của thế giới.
IEA cũng nêu bật những "tiến bộ ấn tượng" mà Ấn Độ đã đạt được trong những năm gần đây, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận điện và có phương tiện nấu ăn "sạch" - hai ưu tiên trong chương trình nghị sự chính trị của Ấn Độ. Từ những năm 2000 - 2019, Ấn Độ có thêm gần 750 triệu người dân được sử dụng điện. Để chống ô nhiễm không khí, chính phủ đã hỗ trợ công tác phát triển lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và khuyến khích sử dụng chúng để nấu ăn, thay vì sinh khối truyền thống. Ấn Độ cũng đã thực hiện “những biện pháp quan trọng để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp tránh tăng thêm 15% trong tiêu thụ năng lượng và tránh phát thải 300 triệu tấn CO2/năm trong giai đoạn năm 2000-2018”.
Theo khuyến nghị của IEA, Ấn Độ nên đặc biệt chú ý đến ngành điện của họ, trong bối cảnh “giảm sử dụng nhà máy điện nhiệt than và điện nhiệt khí, còn điện năng từ những nguồn tái tạo thì gia tăng với sản lượng biến động”. Ở một số bang của Ấn Độ, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện “đã cao hơn 15%". Mức này đòi hỏi có những chính sách cụ thể để đảm bảo điện tái tạo được tích hợp một cách thích hợp vào hệ thống điện. IEA cho rằng “việc tạo ra một thị trường điện bán buôn cạnh tranh là điều rất quan trọng để cải thiện” hoạt động của hệ thống điện Ấn Độ, cũng như sử dụng những công cụ linh hoạt (lưu trữ, lưới điện thông minh...).
Trong dự báo mới nhất về nhân khẩu học thế giới của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ có thể trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trước Trung Quốc “vào năm 2027”.