Thực tế hiện nay, Bình Dương phát sinh nhiệm vụ, chương trình, dự án cần được đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng không được bố trí vốn đầu tư công để thực hiện
Ngày 20-7, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 11 - kỳ họp giữa năm 2023.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh kỳ họp diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do những diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình thế giới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Lộc phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 11- HĐND tỉnh Bình Dương (Ảnh: B.D)
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Dương tăng 3,76%, cao hơn cả nước 0,04%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt 31.715 tỉ đồng (đạt 43% dự toán HĐND tỉnh thông qua và đạt 48% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao).
Các ngành, các cấp đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó khởi công đường Vành đai 3 đúng tiến độ đề ra. Lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được thực hiện khá đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, xây dựng thành phố thông minh được thực hiện quyết liệt; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Toàn cảnh kỳ họp (Ảnh: B.D)
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của Bình Dương vẫn còn những hạn chế. Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ; sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch…
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng bên cạnh nguyên nhân do tác động của tình hình thế giới thì còn do một bộ phận cán bộ, công chức vẫn ngại trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết công việc.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; phân cấp thẩm quyền quản lý tài sản công; danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa.
Các nội dung, mức chi hỗ trợ ngành y tế; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; mức chi phục vụ ngành giáo dục và công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Các chế độ, chính sách hỗ trợ hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; quy định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; điều chỉnh số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập…
Năm 2023, Bình Dương tập trung nguồn vốn đầu tư công lớn cho dự án đường Vành đai 3
HĐND tỉnh Bình Dương cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ dung điều 3 của quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo quy định, Bình Dương sử dụng vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ ưu tiên tập trung đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay phát sinh nhiệm vụ, chương trình, dự án cần được đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng không được bố trí vốn đầu tư công để thực hiện, do không thuộc dự án hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các nhiệm vụ, chương trình, dự án này thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định tại Luật Đầu tư công.
Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND để phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được bố trí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án nêu trên, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh là cần thiết và đúng thẩm quyền.