Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, sau khi xem xét Công văn số 2428/SKHĐT-THQH ngày 10/7/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trong một chuyến kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.
Triển khai rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án, đến ngày 20/6/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đã tổng hợp 91 nội dung, dự án có khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, gồm: 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 6 dự án theo hình thức hợp tác công tư; 45 dự án khu dân cư, đô thị, nhà ở; 16 dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp; 21 dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh khác. Đa số các dự án gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ và một số dự án vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, quyết toán, bàn giao.
Cũng tính đến thời điểm 31/5/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện giải ngân 1.763,3 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 22,4% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 20,6% kế hoạch địa phương giao. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài thời hạn thanh toán theo quy định là 85.118/262.695 triệu đồng, đạt 32,4% kế hoạch.
Ước tính đến hết ngày 30/6/2023, toàn tỉnh giải ngân được khoảng 3.010 tỷ đồng vốn đầu tư công đạt 38,3% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 35,2% kế hoạch địa phương giao. Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả để thúc đầy tăng trưởng kinh tế, do vậy các địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần tiếp tục chủ động, tích cực và quyết liệt trong công tác triển khai, thi công, nghiệm thu khối lượng thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán. Đồng thời, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công.
Sau khi xem xét Công văn số 2428/SKHĐT-THQH ngày 10/7/2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư thực hiện các dự án đầu tư công và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, ngoài chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 cũng như các kế hoạch, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của tỉnh, cần chú trọng, đẩy mạnh công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng theo hướng chủ động, linh hoạt, công khai, minh bạch, đúng quy định. Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án khởi công mới trong năm 2023 đảm bảo đủ điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho dự án.
Đẩy mạnh, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành và giải ngân đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm của tỉnh, các chương trình mục tiêu và dự án có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và liên vùng. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh giải ngân đi đối với đảm bảo chất lượng công trình các dự án và các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện nghiêm túc việc triển khai chế độ báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công (hằng tháng/quý/năm); chịu trách nhiệm trong trường hợp báo cáo gửi chậm so với thời gian quy định.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án; kịp thời hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt quyết toán dự án trong thời gian quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm và thực hiện công khai chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán, vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán, không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới theo Điều 52, Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.