Tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương Đà Nẵng - Wakayama (Nhật Bản) diễn ra vào sáng 27-7, thành phố Đà Nẵng xác định Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch.
Tham dự hội thảo có ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng; ông Yoshii Kazumi, Thành viên Hội đồng tỉnh Wakayama, Chủ tịch Hội đồng Du lịch tỉnh Wakayama, Liên đoàn Thành viên Hội đồng Xúc tiến và gần 150 đại biểu là các nghị sĩ và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tỉnh Wakayama; các hội, hiệp hội doanh nghiệp Đà Nẵng và Nhật Bản.
Theo Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố, hiện Nhật Bản là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của thành phố với kim ngạch xuất khẩu đạt 730 triệu USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố và kim ngạch nhập khẩu đạt 440 triệu USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thành phố năm 2022.
Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố Nhật Bản, gồm: Kawasaki, Sakai, Yokohama và Kisarazu; ngoài ra có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khác. Hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng và Nhật Bản đạt những kết quả tích cực khi quốc gia này đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn với hơn 1 tỷ USD cho 222 dự án, chiếm 23,5% số lượng dự án và 26% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố.
Các dự án tập trung chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, dịch vụ và du lịch. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất xét về số vốn đầu tư trên địa bàn thành phố với 230 dự án, tổng vốn đầu tư đạt hơn 1 tỷ USD.
Ông Hirayama Keiji, Hội trưởng Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng (JCCID) cho biết, JCCID bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Đến nay số lượng doanh nghiệp thành viên đã lên tới khoảng 160 doanh nghiệp, tăng gần gấp 5 lần.
Thành phố Đà Nẵng điểm đến đầu tư tin cậy nên lúc bắt đầu đi vào hoạt động có 90% doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, nhưng hiện tại ngành sản xuất chiếm 30% và các ngành không thuộc nhóm ngành sản xuất như phát triển offshore, xây dựng, phân phối hàng hóa, khách sạn đang chiếm tỷ trọng cao. Gần đây, các doanh nghiệp có những xu hướng mới trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó, ông Yoshii Kazumi, Thành viên Hội đồng tỉnh Wakayama, Chủ tịch Hội đồng Du lịch tỉnh Wakayama bày tỏ: “Với tư cách là thành viên của hiệp hội xúc tiến du lịch, chúng tôi đã nắm bắt được tình hình qua những trải nghiệm thực tế. Chúng tôi sẽ tận dụng những kiến thức thu được từ chính hội thảo và các sự kiện khác để phát huy trong quá trình phát triển các điểm du lịch của tỉnh Wakayama trong tương lai”.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp tỉnh Wakayama rất quan tâm đến thị trường tiềm năng Đà Nẵng nói riêng, việc hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung. Đặc biệt, đại diện tỉnh Wakayama muốn chia sẻ với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư các hoạt động xúc tiến đầu tư đã và đang thực hiện.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết, hiện các tài liệu xúc tiến đầu tư được biên soạn bằng nhiều ngôn ngữ (Anh, Nhật, Hàn, Trung, Đức, Nga), thành phố chủ trì tổ chức, tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế.
Đặc biệt là hợp tác với các tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế để tìm kiếm, kết nối, tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng. Đối với thị trường Nhật Bản, Đà Nẵng luôn phối hợp làm việc chặt chẽ với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng JCCID, các ngân hàng và các công ty tư vấn của Nhật Bản…
Để thu hút các nhà đầu tư mới, thành phố tập trung rà soát chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cấp phép các dự án, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với các nhà đầu tư hiện hữu, hỗ trợ nhà đầu tư để mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư; hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại thành phố.