• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.197,60 -9,47/-0,78%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:03 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.197,60   -9,47/-0,78%  |   HNX-INDEX   207,22   -4,25/-2,01%  |   UPCOM-INDEX   89,65   -1,25/-1,38%  |   VN30   1.291,66   -2,63/-0,20%  |   HNX30   408,81   -12,18/-2,89%
22 Tháng Tư 2025 2:47:49 CH - Mở cửa
Động lực nào giúp kinh tế tăng tốc cho mục tiêu tăng trưởng 8%?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 17/04/2025 9:19:47 SA

Dù đạt mức tăng trưởng 6,93% - cao nhất trong 5 năm qua - kinh tế Việt Nam quý I/2025 vẫn chưa chạm tới ngưỡng kỳ vọng theo kịch bản tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm. Trong bối cảnh áp lực trong và ngoài nước ngày càng lớn, câu hỏi đặt ra là: Động lực nào sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc ở các quý tiếp theo?

Theo số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, GDP quý I tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong giai đoạn 2020 - 2025, thể hiện sự hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và điều hành, quản lý vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương.

Nhiều thách thức phía trước

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2025 so với cùng kỳ các năm.

Cơ cấu tăng trưởng cho thấy sự phục hồi lan tỏa giữa các khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,42%; dịch vụ tăng 7,7%. Tuy nhiên, so với mục tiêu 7,7% của quý I được đưa ra trong Nghị quyết 25/NQ-CP - nhằm phục vụ kịch bản tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025 - thì con số 6,93% vẫn còn khoảng cách đáng kể. Điều này cho thấy chặng đường từ nay đến cuối năm sẽ là cuộc “chạy nước rút” thực sự với nền kinh tế.

“Việc tăng trưởng quý I thấp hơn mục tiêu sẽ tạo áp lực không nhỏ lên các quý tiếp theo, đặc biệt khi bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều thách thức. Thông tin Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 3/4 cũng là một yếu tố bất lợi lớn cho xuất nhập khẩu, gây thêm khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng cả năm”, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê nhận định.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn được đặt ra từ đầu năm và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với tất cả các đối tác thương mại trong đó có Việt Nam.

“Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay”, ông Phạm Thế Anh cho biết.

Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ còn tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Điều này tạo ra sự bất ổn, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm.

Chính quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày. Trong chuyến công tác đặc biệt tại Hoa Kỳ, Đoàn công tác Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu và Chính phủ Hoa Kỳ để đi đến thống nhất tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia. Đặc biệt hai bên đã chính thức đồng ý sẽ đàm phán nội dung về thuế quan.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP chứng khoán VNDIRECT tính toán, trong kịch bản mức thuế đối ứng cho Việt Nam được điều chỉnh xuống mức 20 - 25%, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ có thể chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5 - 10% và tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2025 sụt giảm nhẹ khoảng 3 - 5% so với kịch bản không bị áp thuế.

 “Trong kịch bản này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể đạt mức khá khoảng 6 - 7% trong năm 2025. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể thấp hơn khoảng 0,5 - 1,0 điểm % trong kịch bản này”.

Tăng tốc thế nào để đạt mục tiêu?

Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ tiếp tục khẳng định kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các giải pháp được yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung vào việc khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ cả phía cung và cầu của nền kinh tế.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, muốn đạt được tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi như vậy thì cần tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước.

Chuyên gia phân tích, trước mắt trong ngắn hạn, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính sách thuế quan của Mỹ. Tiêu dùng cũng không phải là một động lực tăng trưởng có thể bứt phá trong năm nay khi thu nhập của người dân không tăng nhanh trong mấy năm vừa qua khiến sức mua của người dân đã bị hạn chế đi rất nhiều. Đặc biệt, sự tăng nóng của thị trường bất động sản, thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý đều làm giảm khả năng tiêu dùng của người dân.

"Chúng ta có thể bù đắp một phần từ thị trường quốc tế nếu Việt Nam thích ứng nhanh thì có thể nới lỏng thêm điều kiện về thị thực, phát triển du lịch quốc tế để bù đắp một phần tác động tiêu cực từ xuất khẩu", ông Phạm Thế Anh đề xuất.

Về dư địa tăng trưởng cho các quý tiếp theo, Cục Thống kê cho biết, đầu tư công và đầu tư nước ngoài tiếp tục là cánh tay đắc lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt sẽ là cầu nối cũng như bước đệm quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế, hiện đang trong giai đoạn bùng nổ sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng phấn đấu mục tiêu đạt 16% trong năm 2025 được kỳ vọng là cú hích lớn cho thị trường bất động sản. Cùng với các chính sách tháo gỡ pháp lý, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, từ đó kích thích phát triển ngành xây dựng.

Tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước.

Tăng cường chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia và chiến lược quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam phát triển và thu hút khách du lịch đặc biệt trong mùa du lịch sắp tới.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

Việt Nam cũng tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, HALAL… giảm sự phụ thuộc vào Mỹ; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Đỗ Kiều-Link gốc