Ấn Độ là nước đạt được nhiều thành công trong việc xuất khẩu tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp nước ngoài. Từ năm 2010 đến tháng 6-2022, nước này đã phát hành 278 triệu tín chỉ carbon, tức gần 17% tổng số tín chỉ trên thị trường giao dịch carbon tự nguyện toàn cầu, theo hãng tư vấn tài chính S&P Global (Mỹ).
Tín chỉ carbon là thị trường cực kỳ tiềm năng, đã tăng trưởng tới 164% trên toàn thế giới trong năm 2021 và dự kiến đạt 50-100 tỉ USD vào năm 2030 (từ mức 2 tỉ USD hiện nay). Theo hãng tin PTI, nhu cầu tín chỉ carbon toàn cầu hiện vào khoảng 58 tỉ tín chỉ/năm.
"Ăn nên làm ra" như vậy song chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch chuyển hướng: Nói "không" với xuất khẩu mà tập trung mở rộng thị trường tín chỉ carbon trong nước. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Năng lượng nước này thông báo thành lập thị trường carbon nội địa chính quy, với trách nhiệm điều hành trực tiếp thuộc về ban chỉ đạo quốc gia liên bộ mà chủ lực là Bộ Năng lượng và Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu. Ban chỉ đạo này sẽ đặt các mục tiêu cụ thể về phát thải khí nhà kính cho các công ty, tổ chức; cấp/gia hạn tín chỉ carbon cũng như hướng dẫn giao dịch..., theo trang Business Today.
Ấn Độ đang chuyển hướng đầu tư vào thị trường tín chỉ carbon trong nước. Ảnh: INDIAN EXPRESS
Ấn Độ đặt mục tiêu giảm phát thải 45%, tạo ra 50% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo và đạt trung hòa carbon vào năm 2070. Với chiến lược nêu trên, tạp chí Fortune India dẫn lời các chuyên gia nhận định thị trường tín chỉ carbon nội địa của Ấn Độ sẽ bùng nổ trong những năm tới. Đơn cử trường hợp của EKI Energy Services, công ty tạo được số tín chỉ carbon lớn nhất trong số các nước đang phát triển và hiện có mặt trong tốp 5 toàn cầu. Với hơn 3.500 khách hàng ở 40 quốc gia, EKI Energy Services đang nắm giữ 15% thị phần toàn cầu và đặt mục tiêu tạo 1 tỉ tín chỉ carbon vào năm 2027. Ông Manish Dabkara, Tổng Giám đốc điều hành của EKI Energy Services kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các thị trường carbon Ấn Độ (CMAI), nhấn mạnh tín chỉ carbon sinh lời cao hơn nhiều so với bất cứ công cụ tài chính nào khác.
Theo Fortune India, số công ty theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu ngày càng tăng, từ con số 500 công ty cam kết của năm 2019 đã tăng gấp đôi lên hơn 1.000 vào năm 2020. Trên toàn thế giới, khoảng 2.200 công ty - bao gồm nhiều tập đoàn lớn - cam kết đạt trung hòa carbon vào cuối năm 2022. Từ tình hình chung nói trên, S&P Global nhận định: "Chúng tôi dự báo giá carbon của Ấn Độ sẽ tăng lên, có thể đạt 80 USD/MtCo2e vào năm 2050". (MtCo2e là đơn vị tính về ô nhiễm carbon). Những ngành đóng vai trò then chốt trong giảm phát thải được xác định là xử lý nước, giao thông, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, trồng rừng…, theo nhật báo Deccan Herald.
Carbon bắt đầu được nhìn nhận là một loại hàng hóa kể từ khi Nghị định thư Kyoto được ký kết vào năm 1997. Thỏa thuận Paris năm 2015, cụ thể là điều 6.2, tái khẳng định điều này, nêu rõ carbon được giao dịch toàn cầu để đổi lấy tín chỉ carbon. Các chuyên gia tin rằng thị trường tín chỉ carbon sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp và quốc gia đầu tư cho các sáng kiến và hoạt động có lợi cho môi trường, như tái trồng rừng, để đổi lấy quyền phát thải CO2 theo đúng luật. Các dự án tái tạo cũng nhờ vậy mà tăng trưởng, dần dần sẽ hạn chế việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nói cách khác, mục đích của tín chỉ carbon là vừa hỗ trợ các hoạt động kinh tế vừa bảo đảm các quốc gia đạt mục tiêu giảm phát thải carbon.
Tín chỉ carborn là chứng nhận cho phép một nhà máy hoặc doanh nghiệp phát thải một lượng nhất định khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Một tín chỉ tương đương 1 tấn CO2 hoặc các khí nhà kính khác.