Mới đây, tại Talkshow về bất động sản, nhiều nhà đầu tư và môi giới đặt câu hỏi: Đất nền có phục hồi thanh khoản vào cuối năm nay, nhất là trong bối cảnh nhiều tuyến đường cao tốc, hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư.
Chia sẻ trước câu hỏi này, ông Nguyễn Duy Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Hưng cho hay, từ năm 2022 đến nay, nhiều công trình hạ tầng giao thông phía Nam được chú trọng đầu tư, xây dựng. Đây cũng là động lực cho thị trường bất động sản nói chung, đất nền nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, khác so với trước đây, đất nền thường ăn theo hạ tầng cao tốc thì thời gian qua và sắp tới việc phân lô bán nền sẽ bị hạn chế nhiều. Việc chuyển nhượng cũng trở nên khó khăn. Giá đất nền cũng không tăng nhanh như thời gian trước đó nữa.
“Thời gian phục hồi của thị trường đất nền phía Nam cũng sẽ chậm hơn do các yếu tố về tâm lý đầu tư còn khá yếu ở giai đoạn này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường đất nền vùng ven Tp.HCM còn gặp khó khăn ở giai đoạn này. Đây là loại hình mang tính đầu tư cao. Từ cuối năm 2022 đến nay, đất nền đang giảm giá phổ biến từ 5-30% (tuỳ khu vực). Nếu để hồi phục thanh khoản thì đất nền Tp.HCM sẽ hồi phục trước, sau đó mới lan ra các tỉnh lân cận. “Nếu nhanh thì đến quý 2/2023, đất nền mới ấm lên được”, ông Quang nhấn mạnh.
Vị này chia sẻ thêm, nguồn cung mới phân khúc đất nền tại Tp.HCM sẽ tiếp tục hạn chế. Các chính sách liên quan đến lãi suất, tín dụng ít nhất phải có độ trễ 3-6 tháng, thường đi chậm hơn sự phát triển của thị trường. Vì thế, phải qua năm 2024, mới là thời điểm của thị trường đất nền.
Đánh giá về tiềm năng của phân khúc này, ông Quang cho rằng, đây vẫn là loại hình bất động sản truyền thống, mua để đầu tư, mua để dành. 70% người mua chọn đất nền vì mang tính chất tích luỹ tài sản. Thời gian qua, đất nền tại khu vực vệ tinh Tp.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…đã tăng giá gấp nhiều lần, từng sốt cục bộ. Nhu cầu mua để ở, để dành hoặc để xây nhà cho công nhân thuê vẫn có.
Ông Quang lấy ví dụ, một lô đất 100m2 tại Tp.HCM giá khoảng 50 triệu đồng/m2, nếu đi xa khoảng 10-15km, người mua có thể mua được đất nền với giá 10-15 triệu đồng/m2. Đây vẫn là phân khúc có nhu cầu và sẽ tồn tại lâu dài trên thị trường.
Nói về việc hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư có tác động đến sự phục hồi nhanh của phân khúc đất nền hay không, ông Quang cho hay, yếu tố này có tác động gián tiếp đến phân khúc đất nền. Với bối cảnh hiện nay, yếu tố hạ tầng khó tác động rõ nét. Ít nhất phải mất khoảng 2-3 năm nữa mới ảnh hưởng được đến mức giá bất động sản.
“Việc tác động của hạ tầng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi. Không phải nơi nào có hạ tầng đi qua cũng khiến bất động sản nhộn nhịp. Tương lai của phân khúc đất nền vẫn là vùng trung tâm Tp.HCM và khu ven khoảng cách 30-50 cây số. Kết nối hạ tầng với bất động sản không tính bằng cây số mà tính bằng thời gian di chuyển”, ông Quang nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ trong talkshow, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, giá trị tăng đất đai là cơ hội. Quy hoạch hạ tầng có ảnh hưởng nhất định đến giá trị này. Một mảnh đất đã từng tăng giá 3-4 lần trong vòng 3-5 nămc phần lớn cũng nhờ vào tác động của hạ tầng kết nối. Việc mở rộng kết nối hạ tầng từ Tp.HCM với các khu kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ mang lại những ảnh hưởng nhất định đối với giá trị gia tăng của đất nền. Thời gian tới, tiềm năng bất động sản có thể sẽ là các vùng xa của Tp.HCM như Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng…
“Đây là thời điểm tốt để mua bán, đầu tư. Người mua có nhiều sự lựa chọn. Thị trường rất âm thầm, có những miếng đất đẹp, nhà đầu tư chưa kịp đi xem đã có giao dịch. Nguyên tắc của thị trường là càng nhiều người biết càng ít cơ hội. Ngược lại, các khu vực ít người biết thì cơ hội tăng giá trị trong tương lai càng nhiều”, ông Lâm nhấn mạnh.
Hạ Vy