Những nỗ lực mua vào tốt hơn đã kéo thanh khoản chiều nay tăng mạnh so với phiên sáng, nhưng kết thúc lại không mấy khả quan. Sức ép bán mạnh ở nhóm blue-chips đẩy đa số mã này tụt xuống mặt bằng giá yếu hơn, ép VN-Index rơi xuống sát tham chiếu. Khối ngoại quay đầu mua ròng khá tốt là điểm sáng duy nhất...
VN-Index bị xả những phút cuối.
Những nỗ lực mua vào tốt hơn đã kéo thanh khoản chiều nay tăng mạnh so với phiên sáng, nhưng kết thúc lại không mấy khả quan. Sức ép bán mạnh ở nhóm blue-chips đẩy đa số mã này tụt xuống mặt bằng giá yếu hơn, ép VN-Index rơi xuống sát tham chiếu. Khối ngoại quay đầu mua ròng khá tốt là điểm sáng duy nhất.
HoSE phiên chiều chứng kiến thanh khoản tăng khoảng 19% so với buổi sáng, đạt gần 8.295 tỷ đồng. Gần 40% giao dịch tập trung vào nhóm VN30, là tỷ trọng rất cao. Tuy nhiên nhóm này thay vì có tiến triển giá tốt hơn thì trái lại, đa phần tụt giá xuống.
Thống kê cho thấy có tới 20/30 cổ phiếu của rổ VN30 đóng cửa thấp hơn giá chốt phiên sáng, chỉ 9 mã tăng cao hơn. VN30-Index đóng cửa còn tăng 0,16%, kém hơn nhiều mức tăng 0,37% buổi sáng. Nhóm ngân hàng dẫn dắt buổi sáng cũng yếu đi, trừ VCB đóng cửa vẫn tăng 2%. BID tụt 0,67% so với phiên sáng, MBB tụt 0,97%, VPB tụt 0,75%, CTG tụt 0,34%... Một số như TCB, TPB, HDB, ACB còn rơi qua tham chiếu. VIC, GAS, GVR, VNM cũng lao dốc đáng kể chiều nay.
Phía tăng may có HPG và VHM khá tốt. VHM đóng cửa vẫn giảm 0,71% so với tham chiếu và gần như cả buổi chiều không mấy tích cực, nhưng đợt ATC lại có cầu kéo lên. Cổ phiếu này có nhịp nhảy giá từ 55.300 đồng lên 56.100 đồng lúc đóng cửa, tức là tăng 1,45% trong một lần khớp. Cú nhảy này giúp VHM co hẹp biên độ giảm lại đáng kể và tăng 1,08% so với giá chốt buổi sáng.
HPG là cổ phiếu lớn duy nhất có biến động giá thật sự mạnh. Chốt phiên sáng HPG khá nhạt nhòa, chỉ tăng 0,19% so với tham chiếu. Tuy nhiên từ 1h30 trở đi, giá HPG lên như diều, lúc 2h đạt mức đỉnh tăng tới 3,62% so với tham chiếu. Thanh khoản HPG chiều nay lên tới 650,2 tỷ đồng, chiếm tới 20,2% tổng khớp của cả rổ VN30 phiên chiều. Khối ngoại cũng góp sức, chiều nay mua ròng khoảng 84,2 tỷ đồng ở HPG. Trong 30 phút cuối lực bán có tăng lên và ép giá xuống, nhưng đóng cửa HPG vẫn tăng 2,67% so với tham chiếu, trở thành trụ mạnh thứ hai sau VCB.
Xếp theo giá trị khớp lệnh, HPG giao dịch nổi bật cả về giá lẫn thanh khoản.
Lực bán cũng có tín hiệu tăng ở nhiều cổ phiếu khác, thể hiện qua độ rộng. Chốt phiên sáng VN-Index có 243 mã tăng/138 mã giảm. Lúc 2h chỉ số đạt đỉnh cao mới trong ngày, độ rộng tích cực với 265 mã tăng/149 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên chỉ còn 218 mã tăng/183 mã giảm. Số cổ phiếu tăng trên 1% cũng tụt nhẹ xuống 68 mã. Ngay với số tăng khỏe nhất này, biên độ ép giá xuống do bên bán tăng áp lực xả cũng rất rõ: ASM, HT1, AAA, IDI, DGC, ORS, CSV, DGW, PDR thanh khoản cả trăm tỷ đồng nhưng độ lùi giá cũng rất rộng từ 1% tới trên 3% so với mức cao nhất ngày.
Nhịp xả cuối phiên cộng với sự suy yếu ở nhóm blue-chips cho thấy thị trường vẫn đang thiếu đồng thuận. Vẫn có nhiều nhà đầu tư canh hồi giá để thoát hàng. Thanh khoản tăng cũng thể hiện quan điểm này vẫn đang mạnh. Độ rộng nhỉnh hơn về phía tăng giá là một tín hiệu khá tích cực vì quan điểm bán giá xanh vẫn thể hiện kỳ vọng giá sẽ còn tốt hơn nữa.
Chiều nay thị trường cũng chứng kiến khối ngoại đảo chiều mua ròng. Cụ thể, tổng giá trị mua vào ở HoSE tăng thêm 998,2 tỷ đồng trong khi bán ra 801,4 tỷ, tương ứng mua ròng 196,8 tỷ. Phiên sáng khối ngoại bán ròng nhẹ 12,8 tỷ đồng. HPG được mua ròng rất khá buổi chiều, phần nào tác động lên diễn biến giá tích cực. Ngoài ra có TCM +77 tỷ, DGC +49,9 tỷ, GEX +32,3 tỷ, CTG +22 tỷ, VRE +20,6 tỷ, VHC +20,6 tỷ. Phía bán ròng có VCB -49,1 tỷ, PNJ -44,8 tỷ, VPB -42,4 tỷ, KBC -21,8 tỷ. Hai chứng chỉ quỹ là FUEVFVND và E1VFVN30 cũng bị bán ròng tương ứng 49,4 tỷ và 28,4 tỷ đồng.
Kim Phong