• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
10 Tháng Mười Một 2024 7:20:34 SA - Mở cửa
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu thuộc ngành thâm dụng lao động
Nguồn tin: VnEconomy | 09/07/2023 12:50:00 CH
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận số người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo, phần lớn họ đã mất việc từ đầu năm. Đây cũng là những ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong làn sóng cắt giảm lao động...
 
Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng từ đầu năm đến nay, dẫn đến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng gây ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp vì thế cũng có xu hướng tăng.
 
 
LAO ĐỘNG HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP NỬA ĐẦU NĂM TĂNG SO VỚI CÙNG KỲ
 
Tại các thị trường lao động lớn của cả nước, nửa đầu năm 2023, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Với Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hết tháng 5/2023, đơn vị này tiếp nhận gần 34.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 36% (tương đương tăng khoảng 9.100 người) so với cùng kỳ năm 2022.
 
Hiện Trung tâm đang tổng hợp tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, qua nắm bắt sơ bộ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 43.000 hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng trong tháng 6 tiếp nhận hơn 10.000 hồ sơ. 
 
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, những lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp này ít nhất đã mất việc từ tháng 2. Sau thời gian chưa tìm kiếm được việc làm, người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm. 
 
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận số người làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước chủ yếu là du lịch, khách sạn, giao thông vận tải. 
 
Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, nửa đầu năm 2023, TP.HCM tiếp nhận hơn 64.800 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 2.700 người so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Với số lao động bị mất việc vì nhiều lí do, trong đó có thay đổi cơ cấu, gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp cận doanh nghiệp để tổ chức các buổi tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động ngay tại doanh nghiệp.
 
Báo cáo tình hình lao động, việc làm quý 2/2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 6 cũng ghi nhận tình trạng lao động mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.
 
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động bị mất việc trong quý 2 năm nay là 217,8 nghìn người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ, và phần lớn tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương (khoảng 83,2 nghìn người), TP.HCM (khoảng 30,4 nghìn người), Bắc Ninh (khoảng 10,7 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 9,3 nghìn người)…
 
 
Người lao động chờ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
 
Nói về vấn đề này tại phiên họp Chính phủ tháng 6 hôm 4/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh con người, an sinh và an dân. Đặc biệt là tập trung triển khai những chính sách liên quan đến tiền lương, doanh nghiệp để hỗ trợ trong thời điểm khó khăn này.
 
NHIỀU DOANH NGHIỆP VẪN TUYỂN DỤNG, TĂNG CƠ HỘI KẾT NỐI VIỆC LÀM
 
Bức tranh thị trường lao động vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức là điều đã được phản ánh rõ qua các con số thống kê, báo cáo, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng là nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số ngành, lĩnh vực, và ngay tại địa phương nơi xảy ra tình trạng cắt giảm lao động là vẫn có.
 
Đơn cử tại Hà Nội, trong phiên giao dịch việc làm cuối tuần vừa qua (ngày 1/7) cũng có 36 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh 2.470 chỉ tiêu. Các đoanh nghiệp tuyển dụng nhiều chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 44%, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như: Sản xuất, xuất khẩu lao động, giáo dục - đào tạo, vận tải...
 
“Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp sẽ phù hợp với nhu cầu tìm việc của người dân, người lao động để tạo điều kiện cho những người chưa tìm kiếm được việc làm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương”, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin.
 
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng trong thời gian tới như: Thông tin và truyền thông, Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có một số nhóm ngành được dự báo là sẽ xuất hiện tình trạng giảm việc làm do thiếu hụt đơn hàng như: Công nghiệp chế biến chế tạo, Hoạt động kinh doanh bất động sản…
 
Với TP.HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đánh giá, dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với dấu hiệu đang dần phục hồi, thị trường lao động thành phố cũng sẽ có những chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm.
 
Dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2023 cần 155.000 – 165.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, trong đó ngành thương mại dịch vụ chiếm 64,5% tổng nhu cầu nhân lực, công nghiệp xây dựng 34,6%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,41%.