Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người Mỹ đã vay nhiều hơn bao giờ hết bằng thẻ tín dụng trong quý II vừa qua, với số nợ thẻ tín dụng lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Cụ thể, dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang New York cho thấy tổng nợ thẻ tín dụng đã tăng 45 tỷ USD trong quý II, đồng nghĩa với mức tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ cũng như giá cả cao hơn do lạm phát
Mức tăng nợ "khủng" này đã đưa tổng số tiền nợ lên tới 1.030 tỷ USD, tổng giá trị cao nhất trong dữ liệu của Fed từ năm 2003.
Sự gia tăng trong danh mục này là lĩnh vực đáng chú ý nhất khi tổng nợ hộ gia đình tăng cao hơn khoảng 16 tỷ USD lên 17.060 tỷ USD - cũng là một kỷ lục nợ mới.
Trong khi đó, các khoản nợ quá hạn của thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất trong 11 năm, được đo bằng mức trung bình trong 4 quý gần nhất. Các quan chức ngân hàng trung ương cho biết thước đo nợ thẻ tín dụng trễ 30 ngày trở lên của Fed đã tăng lên 7,2% trong quý II, từ mức 6,5% trong quý I và là tỷ lệ cao nhất kể từ quý I/2012. Tổng nợ quá hạn tăng cao hơn lên 3,18% từ mức 3%.
Lý giải về vấn đề này, bà Elizabeth Renter, nhà phân tích dữ liệu tại trang web tài chính cá nhân NerdWallet cho biết: “Ngân sách hộ gia đình đã được hưởng lợi từ khoản tiết kiệm vượt mức và các khoản nợ liên quan đến đại dịch trong 3 năm qua, nhưng tàn dư của những lợi ích đó sắp hết".
"Việc quá hạn thanh toán thẻ tín dụng tiếp tục có xu hướng gia tăng, một dấu hiệu ngày càng tăng cho thấy người tiêu dùng đang cảm thấy khó chịu với mức giá cao và số dư tiết kiệm thấp hơn so với cách đây vài năm. Khi việc sử dụng thẻ tăng lên, tỷ lệ quá hạn cũng tăng theo", bà Renter nói thêm.
Các nhà nghiên cứu của Fed cho biết sự gia tăng số dư nợ phản ánh cả áp lực lạm phát cũng như mức tiêu dùng cao hơn.
Về vấn đề lạm phát, thu nhập hộ gia đình được điều chỉnh theo lạm phát và thuế đang thấp hơn khoảng 9,1% so với mức hồi tháng 4/2020, gây thêm áp lực lên người tiêu dùng, theo cơ quan SMB Nikko Securities.
Trong khi đó, tình trạng nợ trên các hạng mục khác chỉ cho thấy những thay đổi khiêm tốn.
Các khoản thế chấp mới phát sinh đã tăng lên 393 tỷ USD mặc dù tổng nợ thế chấp đã giảm xuống chỉ còn hơn 12.000 tỷ USD. Các khoản vay mua ô tô tăng 20 tỷ USD lên 1.580 tỷ USD và các khoản vay sinh viên giảm xuống 1.570 tỷ USD.
Các nhà nghiên cứu của Fed tại New York nhận định: “Mặc dù có nhiều trở ngại mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt trong năm qua - lãi suất cao hơn, áp lực lạm phát sau đại dịch và sự thất bại của ngân hàng gần đây - có rất ít bằng chứng về tình trạng khó khăn tài chính lan rộng đối với người tiêu dùng”.