Dữ liệu gần đây cho thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 10/8, trong bối cảnh những đồn đoán về một đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ đang lắng xuống, sau khi số liệu lạm phát được công bố.
Trong ảnh: Một cơ sở lọc dầu ở Fort McMurray, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,15 USD (1,3%) xuống 86,40 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,58 USD (1,9%) xuống 82,82 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều tăng ổn định kể từ tháng 6/2023, trong đó giá dầu WTI giao dịch ở mức cao nhất trong năm nay, còn giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2023 trong phiên 10/8.
Giá dầu đã được hỗ trợ trong những ngày gần đây do Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng, bên cạnh những lo ngại về nguồn cung do khả năng xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen đe dọa các chuyến tàu chở dầu của Nga.
Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát và giá tại cổng nhà máy tiếp tục giảm trong tháng 7/2023, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mỹ cũng đang cấm một số khoản đầu tư vào Trung Quốc trong các công nghệ nhạy cảm như chip máy tính.
Một yếu tố khác góp phần hỗ trợ giá dầu đó là trong báo cáo hàng tháng, đưa ra ngày 10/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo thị trường dầu sẽ hoạt động tốt trong thời gian còn lại của năm và giữ nguyên dự báo nhu cầu cho năm 2024 khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cải thiện nhẹ.
Số liệu về giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7/2023, công bố ngày 10/8, đã làm tăng đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ.
Các thị trường phần lớn không quan tâm đến dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, tăng 5,85 triệu thùng, trong báo cáo đưa ra ngày 9/8, sau mức giảm kỷ lục vào tuần trước./.