Sau một thời gian dài im ắng, Biển Đen bỗng nhiên trở thành một “chảo lửa” mới để các bên hăm dọa và tấn công lẫn nhau. Thị trường dầu mỏ thế giới lại chuẩn bị một đợt chao đảo nữa.
Thị trường dầu mỏ sẽ chịu tác động mạnh từ căng thẳng ở Biển Đen
Kể từ khi tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, Nga đã tuyên bố phong tỏa tuyến hàng hải huyết mạch này. Tàu chiến Nga liên tục tuần tra và phóng tên lửa vào các khu vực ven biển của Ukraine nhằm kìm hãm các chuyến hàng lương thực của Kiev ra khỏi khu vực.
Ukraine cũng nhanh chóng đáp trả. Chính quyền nước này lên tiếng đe dọa nhắm vào các tàu chở dầu của Nga, tuyên bố Biển Đen là “khu vực có nguy cơ chiến tranh”.
Quả thật, lo ngại đã thành sự thật. Ngày 5/8 vừa qua, tàu chở dầu SIG của Nga được cho là đã trúng một máy bay không người lái trên biển có chứa chất nổ khi đi qua Crimea. Kiev mới đây đã thực hiện một cuộc tấn công táo bạo bằng xuồng tự sát không người lái, được cho là đã gây hư hại nặng nề một số tàu vận chuyển.
Chiến lược tấn công vào ngay đầu ra của dòng dầu Nga được cho là sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng giá cả năng lượng mới do chi phí tăng vọt.
Hình ảnh tàu Nga trúng đòn từ vụ tấn công của Ukraine ngày 5/8
Ông Byron McKinney, Giám đốc S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Biển Đen – vốn đã là một nơi nguy hiểm - sẽ càng trở nên rủi ro hơn đối với vận tải quốc tế. Nhiều tàu đơn giản là không đi đến khu vực này. Bảo hiểm gần như không tồn tại. Ở những nơi có bảo hiểm, phí rất cao và sẽ chỉ tăng lên”.
Thị trường dầu thô đã bắt đầu phản ứng, với mức giá tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc tấn công ngày 5/8 của Ukraine vào tàu chờ dầu Nga. Giá dầu thô Brent toàn cầu đang giao dịch ở mức trung bình 85 USD/thùng vào sáng ngày 7/8, sau khi đã vọt lên trên 86 USD/thùng trong phiên. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu có thể sẽ tăng cao hơn nữa nếu xung đột trên Biển Đen ngày càng gia tăng.
"Nếu Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công vào tàu chở dầu của Nga ở Biển Đen, có thể gây ra những rủi ro đáng kể đối với nguồn cung toàn cầu", công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners cho biết. Theo Bloomberg, các tuyến vận chuyển ở Biển Đen chiếm khoảng 15 - 20% lượng dầu xuất khẩu hiện nay từ Nga.
Chuyên gia năng lượng của Hội đồng Đại Tây Dương, Olga Khakova, nhận định điều này có thể làm tăng chi phí bảo hiểm và vận chuyển khi quá cảnh qua khu vực. Trước đây, chiến tranh đã làm gia tăng phí bảo hiểm cho giá năng lượng, nhưng rủi ro bổ sung “xảy ra do các hành động của Ukraine" chắc chắn sẽ còn đẩy chi phí cao hơn.
Các mối đe dọa ngày càng tăng có thể dẫn đến việc giảm các chuyến hàng chở dầu của Nga từ Biển Đen hoặc yêu cầu tàu quân sự hộ tống các tàu chở dầu.
Không chỉ tàu Nga, các tàu hàng quốc tế cũng không khỏi lo sợ trước nguy cơ xung đột tăng lên ở Biển Đen – nơi ngành vận tải biển và các thương nhân quốc tế vẫn đang mua dầu giá rẻ của Nga theo các điều khoản về mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đặt ra vào năm ngoái.
Các cảng biển của Nga bị nhắm mục tiêu có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ của thế giới
“Vẫn có các tàu chở dầu của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động quanh khu vực đó để mua dầu của Nga trong giới hạn giá trần. Và cũng có khá nhiều tàu thuộc sở hữu nước ngoài trong và xung quanh vùng lân cận của cuộc tấn công vừa qua ở Novorossiysk”, ông McKinney cho biết.
Trước đó, Nga đã đồng ý gia hạn cắt giảm xuất khẩu tự nguyện thêm một tháng nữa trong một động thái hợp tác với Saudi Arabia. Những nỗ lực này của nhóm OPEC+ đã giúp giá dầu neo ở mức cao, trên 85 USD/thùng, bất chấp triển vọng nhu cầu sụt giảm.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, dù phương Tây đã làm nhiều cách để “tẩy chay” nguồn dầu mỏ của Nga, nhưng trên thực tế dòng “vàng đen” của Moscow vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng thế giới.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho các cường quốc kinh tế như Ấn Độ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, các sản phẩm dầu mỏ được tinh chế qua nước thứ 3 vẫn đóng góp một phần cho nhu cầu năng lượng từ châu Âu và Mỹ.
Năm 2022, Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu dầu Nga lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu dầu của New Delhi cũng tăng 50% so với năm trước đó. Xu hướng nhập dầu giá rẻ từ nước thứ 3 cũng giúp các “ông lớn” dầu khí của phương Tây như Exxon Mobil và Shell báo lãi kỷ lục trong năm 2022.