Bức tranh nửa đầu năm 2023 của các doanh nghiệp ngành than tương đối khởi sắc khi đa phần đều có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Thời điểm tháng 5, tháng 6, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt khi cả nước bước vào cao điểm nắng nóng. Trong bối cảnh đó, các hồ thủy điện có mức nước dưới mực nước chết, do đó các nhà máy nhiệt điện than được huy động hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng vọt.
Giữa tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước. Bên cạnh đó, các nhà máy điện sử dụng than từ ngoài nước triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước than của các nhà máy khác.
Sức cầu của thị trường tăng vọt giúp cho kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của nhóm khai thác, kinh doanh than khởi sắc.
Tập đoàn TKV – doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối than trong nước – báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 đã cung cấp trên 21,16 triệu tấn than cho sản xuất điện, tăng 3 triệu tấn so cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng ước đạt hơn 87.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán than là 56.500 tỷ đồng, tăng hơn 11%. Lợi nhuận ước tính trên 3.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 6 tháng 2022 và đạt 60% kế hoạch cả năm.
Tổng Công ty Đông Bắc – doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng và là công ty than có quy mô lớn thứ 2 Việt Nam sau TKV, cũng báo cáo kết quả tươi sáng với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 417 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên 18,9%.
Trên thị trường chứng khoán, có khoảng 10 doanh nghiệp ngành than đang trên HNX và UPCoM, trong đó có tới 7 đơn vị báo lãi tăng trưởng tính bằng lần.
Dẫn đầu về tăng trưởng là Công ty Cổ phần Kinh doanh Than miền Bắc – Vinacomin (HNX: TMB) khi quý II/2023 ghi nhận 11.464 tỷ doanh thu thuần; lãi ròng đạt 153 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng, Than miền Bắc báo doanh thu thuần cán mốc kỷ lục 20.198 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ; lãi ròng 174 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần.
Than miền Bắc là công ty con của TKV và bán than tại địa bàn các tỉnh phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra. Bên cạnh nhiệm vụ nhập khẩu than về để pha trộn rồi giao lại cho TKV, doanh nghiệp này còn xuất bán lại than nhập khẩu cho các đơn vị pha trộn theo kế hoạch điều hành của TKV.
Than Đèo Nai (HNX: TDN) báo lãi 6 tháng 2023 đạt 26,5 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2022. Than Hà Tu (HNX: THT) ghi nhận doanh thu 6 tháng giảm 5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận đạt 44,6 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ.
Tương tự, Than Mông Dương (HNX: MDC) lãi ròng 6 tháng gấp 2,5 lần, đạt 29 tỷ đồng. Than Núi Béo (HNX: NBC) lãi ròng 6 tháng đạt 35,6 tỷ đồng, gấp 2,2 lần. Than Vành Danh (HNX: TVD) báo lãi 60,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm 2022. Than Hà Lầm (HLC) đạt 45 tỷ đồng lợi nhuận sau nửa năm, gấp 1,9 lần cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin (HNX: CLM), Than Cao Sơn (UPCoM: CST) và Than Cọc Sáu (HNX: TC6) lại báo cáo lợi nhuận giảm lần lượt 72%, 13% và 1% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu Than giải trình là do trong năm 2022, công ty đã thực hiện thành công một số gói chào thầu quốc tế cung cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước với tỉ lệ lợi nhuận cao trong khi năm 2023 không có hợp đồng tương tự.
Tuy nhiên, do các chỉ tiêu kinh doanh thận trọng nên Xuất nhập khẩu Than đã hoàn thành được 80% mục tiêu về doanh thu và vượt 97% kế hoạch lợi nhuận.
Với Than Cao Sơn, lợi nhuận giảm là do công ty đã khai thác hết trữ lượng than còn lại theo giấy phép khai khác số 2805/GPKT-BTNMT, trong khi đó công ty chưa được cấp giấy phép khai thác mới nên sản lượng than sản xuất giảm, dẫn đến doanh thu giảm. Doanh thu không đủ để bù đắp các khoản chi phí biến đổi, chi phí cố định nên dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Về việc cung cấp than cho các tháng cuối năm, phía TKV cho biết, theo tiến độ hợp đồng đã ký kết với các đơn vị, 6 tháng cuối năm, lượng than cung cấp khoảng 18,745 triệu tấn, cả năm dự kiến đạt 39,7 triệu tấn tăng khoảng 1,2 triệu tấn so hợp đồng.
Căn cứ theo dự báo huy động điện và tình hình huy động các nguồn điện hiện nay của EVN, theo đó trong giai đoạn mùa khô EVN đã huy động thêm tối đa các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu, tăng huy động nguồn điện năng lượng tái tạo,… mặc dù vậy dự báo nhu cầu lấy than của TKV trong 6 tháng cuối năm cho sản xuất điện đạt khối lượng hợp đồng, có thể đạt tới mức tối đa + 5%.
Kể cả trong trường hợp các nhà máy thuỷ điện có nước hoặc giá than nhập khẩu giảm về mức cạnh tranh với than trong nước thì các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ thực hiện đủ khối lượng đã ký với TKV do hiện nay tồn ko tại các nhà máy rất thấp và khách hàng sẽ lấy than để có lượng tồn kho hợp lý gối đầu vào năm 2024.
Nguyễn Thu Huyền